Dù còn không ít băn khoăn về tính khả thi của Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non của TP HCM do UBND TP trình bày tại kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 13 (khóa VIII) tổ chức sáng 14-6 nhưng với quyết tâm của chính quyền TP nâng cao chất lượng giáo dục chăm sóc trẻ, kỳ họp đã nhất trí thông qua Nghị quyết về hỗ trợ giáo dục mầm non TP với nhiều giải pháp cụ thể và quyết liệt.
Mỗi năm cần 2.000 giáo viên mầm non
Báo cáo về công tác giáo dục mầm non, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết toàn TP có 907 trường mầm non công lập và ngoài công lập đang nuôi dạy trên 336.000 học sinh. Trong đó, số trẻ học các trường mầm non công lập chiếm 48,7%, ngoài công lập 51,3%. Ngoài ra, TP HCM còn có 520 nhóm trẻ không phép đang nuôi giữ hơn 10.400 cháu. Tổng số giáo viên mầm non là 18.544 người.
Báo cáo của UBND TP HCM cho thấy các trường công lập đều không nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, có 120 trường nhận trẻ từ 13 tháng tuổi, 39 nhóm giữ trẻ 6-12 tháng tuổi. Đáng lưu ý là TP HCM thiếu trầm trọng trường mầm non tại các KCX-KCN.
“Với tốc độ tăng nhanh của các cơ sở mầm non thì mỗi năm, ước tính cần thêm 2.000 giáo viên để đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ, chăm sóc trẻ của toàn TP” - ông Thuận cho biết.
Lãnh đạo UBND TP HCM cũng nêu ra nhiều khó khăn mà ngành giáo dục TP đang gặp phải, như: sự gia tăng dân số cơ học quá nhanh (khoảng 10%/năm) nên việc xây dựng trường chưa đáp ứng yêu cầu, sĩ số trẻ/lớp còn cao so với quy định; hiện 11 phường của TP chưa có trường mầm non công lập. Bên cạnh đó, chất lượng chăm sóc trẻ ở một số cơ sở mầm non ngoài công lập còn thấp; giáo viên mầm non thiếu, khó tuyển dụng nên phải sử dụng lực lượng bảo mẫu (nhân viên nuôi dưỡng) thay thế…
“Ôm” hết, có kham nổi?
UBND TP HCM đưa ra lộ trình tổ chức giữ trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng tuổi như sau: Năm học 2014-2015 thực hiện thí điểm ở 8 quận - huyện, năm 2015-2016 triển khai đạt 50% số quận - huyện, năm 2016-2017 thực hiện đại trà tại 24 quận - huyện, năm 2017-2018 và những năm tiếp theo sẽ mở rộng số trường nhận trẻ ở tất cả các quận - huyện cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ từ 6 tháng tuổi.
Với lộ trình này, đại biểu (ĐB) Lâm Thiếu Quân băn khoăn: “Trên thế giới, 90% trẻ dưới 12 tháng tuổi đều được nuôi dạy ở nhà vì kinh phí gửi trẻ rất cao. Ngoài ra, xu hướng nuôi dạy trẻ tại nhà với lứa tuổi này được xem là tốt nhất, chứ không phải ở trường. Các nước họ còn không kham nổi việc bao cấp này nên tôi e rằng TP HCM làm không nổi”.
ĐB Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBND quận 4, bày tỏ đồng tình với đề án của TP. Song, bà dẫn chứng thực tế hiện nay, trên địa bàn phường 16, quận 4 có 1 khu đất trống được doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường mầm non dân lập nhưng chỉ vì TP chưa nhất quán về chủ trương mà nhiều năm nay chưa thể thi công. “TP đồng ý chi 43 tỉ đồng, doanh nghiệp chi 10 tỉ nhưng sau đó TP yêu cầu doanh nghiệp chi hết mà doanh nghiệp không đồng ý. Cứ họp đi họp lại nhiều lần, đến nay mọi việc vẫn chưa ngã ngũ” - bà Châu phản ánh và đề nghị TP phải quyết liệt, dồn sức nếu muốn thực hiện đề án này.
Theo bà Châu, TP HCM cần tính toán tuyển dụng giáo viên mầm non để đáp ứng cho việc tiếp nhận trẻ 6-18 tháng tuổi theo lộ trình đề ra. Thực tế tại quận 4 cho thấy năm 2014 thiếu 48 giáo viên mầm non, trong khi chỉ có 6 hồ sơ xin tuyển dụng.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhìn nhận trẻ 6-18 tháng tuổi nên được gia đình nuôi giữ là tốt nhất vì các bé được chăm lo trong vòng tay ông bà, cha mẹ sẽ hình thành nhân cách tốt. Tuy nhiên, về mặt quản lý của chính quyền thì phải luôn có những giải pháp và có lộ trình để hướng tới thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, cho rằng chính quyền TP không có tham vọng giải quyết hết những tồn tại của ngành giáo dục mầm non nhưng xem đây là một chính sách nhằm động viên, hỗ trợ người dân là chủ yếu, trên hết là bảo đảm cao nhất quyền được chăm sóc của trẻ em.
“Chúng ta chưa có điều kiện như các nước khác, phải đặt TP HCM vào hoàn cảnh cụ thể. Với những gia đình nghèo không có điều kiện, công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN không có nơi giữ trẻ thì trường mầm non công lập chính là chỗ thuận lợi nhất để hỗ trợ họ yên tâm làm việc” - bà Tâm nhìn nhận.
Trước băn khoăn của nhiều ĐB về nguồn kinh phí ở đâu để thực hiện đề án giáo dục mầm non như xây dựng trường lớp, tăng mức hỗ trợ thu nhập cho giáo viên..., bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết TP sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn như từ Công ty Đầu tư tài chính nhà nước, các ngân hàng thương mại hay phát hành trái phiếu.
Tăng hỗ trợ cho giáo viên mầm non
HĐND TP HCM cũng đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ giáo dục mầm non của TP. Theo đó, mức hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập là 60% (35% đang hưởng theo quy định, 25% TP hỗ trợ thêm). Cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp từ 6 đến 18 tháng tuổi được hỗ trợ bằng với mức của trường chuyên biệt, hưởng phụ cấp ưu đãi 70% (35% được hưởng theo quy định, 35% TP hỗ trợ).
Ngoài ra, TP HCM sẽ điều chỉnh chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non như: mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đầu tư xây dựng mới trường mầm non theo mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, điều chỉnh thời gian hỗ trợ lãi suất vay từ 7 đến 10 năm hoặc tối đa 15 năm…; thống nhất tổng chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục năm 2014 dự kiến là 7.593 tỉ đồng (chiếm 25,74% tỉ trọng chi giáo dục so với tổng chi thường xuyên).
Ông Tất Thành Cang được bầu làm phó chủ tịch UBND TP HCM
Cùng ngày, kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 13 đã bầu thêm một phó chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016. Với 81,9% số phiếu bầu của đại biểu (77/83 phiếu), ông Tất Thành Cang - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP HCM, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - trúng cử chức danh phó chủ tịch UBND TP. Ông Tất Thành Cang sinh năm 1971, quê quán huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; có bằng thạc sĩ luật, cử nhân chính trị.
Như vậy, với việc ông Tất Thành Cang trúng cử chức danh phó chủ tịch UBND TP HCM, UBND TP có 6 phó chủ tịch, gồm các ông, bà: Nguyễn Hữu Tín, Lê Mạnh Hà, Hứa Ngọc Thuận, Lê Thanh Liêm, Tất Thành Cang và Nguyễn Thị Hồng.
Bình luận (0)