Ngày mai, 10-10, các trường ĐH, CĐ trên cả nước sẽ hoàn tất việc nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 3, kết thúc một mùa tuyển sinh không mấy thú vị.
Trường ĐH An Giang cũng chịu chung số phận khi mới nhận được 75 hồ sơ/491 chỉ tiêu xét tuyển NV3 và hơn 10 ngành không có hồ sơ gửi tới xét tuyển. Trường ĐH Thái Nguyên tới thời điểm này chỉ nhận được 142 hồ sơ xét tuyển NV3 trong khi chỉ tiêu là 1.880. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh tuyển 600 chỉ tiêu NV3 nhưng mới nhận được khoảng 100 hồ sơ.
Không nhận được hồ sơ xét tuyển cũng là tình cảnh chung của nhiều trường khác như ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), ĐH Quảng Nam, ĐH Phú Yên, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa)... Điều này dẫn đến nguy cơ nhiều ngành học phải khai tử và nguồn nhân lực trong tương lai bị mất cân đối.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết trường này phải đóng cửa bốn ngành học là sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, khoa học thư viện và công nghệ thiết bị trường học vì không có người đăng ký. Theo ông Lê Thế Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, với việc không có thí sinh xét tuyển, trường buộc phải đóng cửa một số ngành học vì không có đủ kinh phí đào tạo. Trường ĐH Vạn Xuân cũng đang tìm cách vận động thí sinh sang học ngành khác để bảo đảm đủ chỉ tiêu cho năm học mới.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, từng cho rằng thời gian qua, việc thẩm định, cho phép thành lập trường ĐH, CĐ của các bộ, ngành là quá dễ dãi. Rất ít đề án thành lập trường bị từ chối nên quá nhiều địa phương và bộ, ngành có trường ĐH, CĐ.
Một chuyên gia tuyển sinh khẳng định việc không tuyển được thí sinh là hệ quả của việc cho phép thành lập quá nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng như xu hướng nâng cấp các trường CĐ lên ĐH và đua nhau mở ngành đào tạo mới.
Thực tế, nhiều trường ĐH địa phương năm nào tuyển sinh cũng gặp khó khăn vì thiếu nguồn tuyển nhưng vẫn thông báo tuyển NV2, NV3 ở những ngành mới mở, như ĐH Tiền Giang và ĐH An Giang.
Bình luận (0)