Ngày 6-10, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã có văn bản kiến nghị với BHXH Việt Nam, Bộ GD-ĐT và UBND TPHCM không nên đưa BHYT học sinh vào khoản thu bắt buộc đầu năm học vì sẽ gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Cũng theo Sở GD-ĐT TPHCM, từ khi thực hiện BHYT học sinh bắt buộc, theo phản ánh của hiệu trưởng và phụ huynh học sinh các trường, có một số quy định mới phát sinh tác động đến việc triển khai BHYT và ảnh hưởng đến nguồn kinh phí của công tác chăm sóc y tế ban đầu cho học sinh.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh trên địa bàn TPHCM lại cho rằng việc này không có gì là một “gánh nặng” như quan điểm của sở.
Bảo hiểm y tế cho học sinh là việc cần thiết, vấn đề là cách làm thế nào cho phù hợp và khả thi.
Trong ảnh: Một giờ ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Lương Định Của - TPHCM. Ảnh: TỐ TRÂM(ảnh chỉ có tính minh họa)
Khi nói về việc đóng BHYT học sinh, đa phần các phụ huynh đều cho biết là “đóng cho xong chuyện”.
“Họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đưa ra các khoản thu, trong đó có BHYT nên tôi đóng luôn. Mặc dù phí bảo hiểm có cao hơn trước nhưng nộp luôn một lần cho tiện. Chẳng lẽ lại đến UBND phường hay BHXH quận mua. Chạy đi chạy lại mất thời gian mà cũng có mua được rẻ hơn đâu?”- một phụ huynh Trường Tiểu học Hiệp Phú, quận 9 nói.
Bà Nguyễn Thị Lương Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3, cho biết ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thực hiện xong việc làm thẻ BHYT cho học sinh. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường tạo điều kiện đóng luôn để bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho các em.
Tuy nhiên, tỉ lệ kinh phí BHYT để lại cho trường để làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh thấp quá. trước đây là 20%, hiện chỉ còn 12% nên nhà trường cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện các công tác y tế học đường như: chi phí khám sức khỏe định kỳ hằng năm, sơ cấp cứu, phòng chống dịch bệnh...
Tính đến hết ngày 13-10, các quận, huyện trên địa bàn TP đã thực hiện BHYT học sinh trên 70%, trong đó có quận, huyện đạt khá cao như quận 2 đạt 91,2%, quận 6 đạt 98,57%, quận Bình Tân đạt 96,25%, quận Bình Thạnh đạt 91,3%... Riêng huyện Nhà Bè mới thực hiện được 47% và quận Tân Bình là 30%.
Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng không thể thực hiện được theo kiến nghị Sở GD-ĐT TP, bởi vì trong Công văn số 4296/UBND-VX về việc “Tăng cường thực hiện BHYT học sinh năm học 2010-2011” của UBND TPHCM, đã nêu rõ Sở GD-ĐT, các sở có liên quan và hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, THCN... đôn đốc, chỉ đạo các bộ phận liên quan, các trường trực thuộc lập kế hoạch triển khai ngay BHYT học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học; tổ chức lập danh sách học sinh, sinh viên thu tiền đóng bảo hiểm và nộp quỹ BHYT theo quy định; phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH để phát hành thẻ BHYT kịp thời cho học sinh, sinh viên và làm tốt công tác y tế học đường.
Nhà trường không bị thiệt
Về mức phí 185.000 đồng/học sinh (trước đây là 120.000 đồng) và tỉ lệ BHYT để lại cho nhà trường chỉ còn 12%; khoản 8% mà trước đây BHYT dành ra để các trường chi vào việc tuyên truyền, lập danh sách, thu phát thẻ nay cũng không còn..., ông Đỗ Quang Khánh giải thích: “Mặc dù chỉ trích lại 12% cho nhà trường nhưng mức đóng BHYT năm nay lớn hơn nên số tiền các trường có được sẽ không ít hơn trước.
Tỉ lệ 12% cũng không phải tính trên số tiền học sinh đóng mà tính trên giá trị hơn 200.000 đồng, vì mức phí học sinh thực đóng đã có sự hỗ trợ 30% của TP; riêng học sinh thuộc hộ cận nghèo thì TP hỗ trợ 50%”. |
Bình luận (0)