Báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá, tổng kết năm học 2019-2020 được tổ chức ngày 31-10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhận định năm học 2019 - 2020 là một năm đặc biệt, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Nghiêm khắc chấn chỉnh mặt chưa tốt
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên (GV), cán bộ quản lý giáo dục và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn, hoạt động dạy và học không bị ngưng trệ, không bị "đứt gãy" như một số nước trên thế giới. Các phương pháp, hình thức giáo dục trực tuyến được thầy cô, nhà trường sáng tạo, linh hoạt trong dạy học, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. Đó cũng là tiền đề để ngành giáo dục tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020 tại TP Hà Nội
Tuy nhiên, ông Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận ngành giáo dục vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, trong đó có bất cập về sách giáo khoa (SGK) và tài liệu tham khảo, gây bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt SGK và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình bảo đảm chất lượng, không để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách Tiếng Việt lớp 1 thời gian qua. "SGK phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp thu nhập của đa số người dân" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh và cho biết sẽ phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng SGK, sách tham khảo trong các nhà trường.
Liên quan đến đổi mới chương trình và SGK mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đổi mới giáo dục là một quá trình, không chỉ trong 1-2 năm. SGK mới bước vào năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên trục trặc xảy ra là không tránh khỏi. Điều quan trọng, chương trình mới là pháp lệnh, SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Do vậy, ngay từ năm đầu tiên triển khai SGK mới, ngành giáo dục cần nghiêm khắc chấn chỉnh những mặt còn chưa tốt và tiếp tục kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Một nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận là tình trạng bất cập về định mức GV. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho hay để triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2020 có hiệu quả, Nghệ An xin bổ sung hơn 7.800 GV mầm non và phổ thông bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng kiến nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn để bảo đảm việc giao đủ chỉ tiêu biên chế GV đối với các cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời tham mưu với Chính phủ ban hành quy định về việc hợp đồng nhân viên làm công tác chuyên môn trong các cơ sở giáo dục khi thành lập mới hoặc khi có người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác chưa kịp thời tuyển dụng.
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, kiến nghị Bộ GD-ĐT rà soát điều chỉnh quy định về định mức GV cho phù hợp tình hình thực tế, có sự phân biệt giữa vùng thấp với vùng cao, giữa các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Về tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chất lượng đội ngũ GV không đồng đều, Bộ GD-ĐT hứa sẽ khắc phục, bảo đảm việc "có học sinh thì phải có GV đứng lớp".
Ứng dụng công nghệ trong kỳ thi tốt nghiệp
Nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi THPT (2015-2020), Bộ GD-ĐT đánh giá việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan diễn ra trong nhiều năm. Từ kết quả này, kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ được giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD-ĐT tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi bảo đảm chất lượng, phong phú, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Bình luận (0)