Lê Mi Lan – sinh viên đang theo học chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) trường James Cook ở Brisbane, TP thủ phủ của bang Queensland (Úc). Cô sang Úc từ tháng 11-2017 và đây là năm đầu tiên Lan ăn Tết xa nhà.
Bùi ngùi lần đầu ăn Tết xa
Lan kể, ngày đưa ông Táo về trời, cô cứ vào Facebook theo dõi mọi người rồi giật mình tết đã đến nơi. "Lúc ở Việt Nam, năm nào cúng ông Táo là chị đã dồn phép để xin nghỉ về nhà rồi. Về quê giờ này cúng ông táo rồi chuẩn bị Tết vui lắm!". Mi Lan cho biết ngày này, cô tranh thủ thời gian đi học về tạt ngang siêu thị mua sắm, rồi về tự thắp nhan khấn xin. Cuối tuần, Khu người Việt ở đây có tổ chức chợ Tết 2 ngày, cô dự định sẽ đi chợ mua đồ Tết về cúng. "Dù ở xa quê nhưng mình vẫn tính từng ngày tới Tết, đêm giao thừa mình cũng thức đợi tới giờ và lì xì cho bé cháu, ăn bánh chưng, mứt.
Du học sinh Lê Mi Lan
"Dù ở đâu, mình cũng thích nhất là khoảnh khắc giao thừa, vì cảm giác như lúc đó mình có một luồng khí mới. Mọi năm giao thừa cúng xong thì cả nhà đi chùa, năm nay cúng giao thừa xong thì ngắm trời đất xíu rồi đi ngủ", Lan chia sẻ.
Mi Lan cho biết cũng vài gia đình, bạn bè người Việt rủ đón Tết chung nhưng cô thích giao thừa ở nhà vì không bỏ được thỏi quen đoàn tụ trong đêm thiêng liêng này. Cô cho biết mình may mắn hơn nhiều bạn vì có gia đình anh chị bên Úc, không phải lo các chi phí nhiều như các du học sinh khác, do đó, Lan có rủ một số bạn tới nhà đón giao thừa chung. Cô cho biết do ai cũng xa nhà, nên đều khao khát quây quần, gặp gỡ đồng hương để nghe giọng người mình. Cô bồi hồi kể những năm trước lúc ở nhà, má là người cúng nên giờ sang đây, mỗi lần khấn lạy là nhớ về má. "Chúc mọi ng nhiều sức khoẻ, niềm vui và may mắn trong năm mới", Mi Lan nói.
Mi Lan chuẩn bị đồ cúng theo truyền thống Tết Việt ở quê người
Tự tay làm bì lì xì cho cháu
Tiêu Hân Hân từng học tiếng Nhật trường ARC Osaka năm 2015 đến 2017. Cô cho biết đây là năm thứ 3 ăn Tết xa nhà. Hân kể rằng do trước đây, cô vừa đi học vừa làm thêm nên Tết cũng khá bận rộn. "Đêm facetime về Việt Nam thăm hỏi ông bà lúc mọi người đang họp mặt rồi khóc thút thít vậy thôi". Hân bùi ngùi kể cô nhớ nhất là thời khắc điện thoại về thấy mọi người sum họp, nghe Hân nói thèm ăn cái này cái kia, mẹ khóc, cô cũng lặng người luôn. Năm nay, hẹn hò nhưng cuối cùng, cô cũng không về được do bận công việc. "Chúc mọi người đón tết sum vầy yêu thương. Mình thèm Tết, thèm nồi thịt kho rục, củ kiệu mẹ làm, thèm lắm câu con về rồi mẹ ơi. Chỉ muốn chạy ùa về bên mẹ!", Hân xúc động kể.
Tiêu Hân Hân ở Nhật
Hân và bạn bè
Xa nhà vẫn đón Tết hoành tráng
Đây là năm thứ 4 Vũ Hoàng Long, đang theo học thạc sĩ ĐH Kiel, TP Kiel, Đức ăn Tết xa nhà. Anh cho biết ở đây đa số sinh viên, người Việt không nhiều do lập nghiệp ở Berlin hay Cologne. Thông thường, mỗi năm thời gian Tết là đúng khoảng thời gian ôn thi và thi nên sinh viên như Hoàng Long thường bị áp lực thi rất căng thẳng. Phần vì đi học tới tối mịt mới về nên không khí tết cũng bị vơi đi phần nào. Long cho biết ở đây vẫn có chợ, nên anh vẫn mua được bánh chưng và chả lụa và mọi người tụ tập ăn tết với nhau đêm 30. "Chúng mình bày đồ ăn ra ăn với nhau và coi táo quân qua kênh Youtube". Hoàng Long cho biết các trường ĐH ở Đức, một học kỳ được chia ra làm hai đợt, tháng 2 hoặc cuối tháng 3 nên cũng có một số ít sinh viên thi hết vào đợt sau và vẫn quyết định về Việt Nam ăn tết. Anh cho biết do đã ăn Tết xa nhà nhiều năm nên cảm giác cũng quen dần, không còn bồi hồi nhớ nhà như năm đầu tiên. Thông thường, Long sẽ gọi điện về gia đình trong những ngày Tết để chúc mọi người ăn Tết vui vẻ.
Tết năm nay, du học sinh Việt tại Nga chào đón năm mới 2018 bằng buổi tiệc vui nhộn. Sinh viên trường ĐH dầu khí Gubkin tại Nga tổ chức một buổi tiệc liên hoan nhỏ, chào đón năm mới 2018 ở xứ người. Du học sinh ở đây cho biết Tết năm nay đặc biệt nhất trong vòng 37 năm trở lại đây ở Nga, đó là không có tuyết. Cứ mỗi dịp Tết đến, sinh viên trong trường lại tổ chức họp mặt, tổ chức chương trình văn nghệ, tổ chức các trò chơi, khui champagne, câu đối đỏ… rất vui vẻ.
Dưới đây là những hình ảnh đón Tết của du học sinh Việt tại Nga:
Bình luận (0)