xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đủ kiểu khổ vì BHYT học đường

YẾN ANH - NGỌC DUNG - HOÀNG THANH

Những rắc rối trong thu BHYT học đường năm nay cho thấy hình thức tổ chức BHYT cần thay đổi theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hơn

Gần 544.000 đồng là số tiền BHYT mà mỗi học sinh - sinh viên (HS-SV) phải đóng trong năm học này. Nhiều phụ huynh than trời vì gánh quá nhiều khoản thu vào đầu năm học mới.

Tiền tăng, chất lượng giẫm chân tại chỗ

Ngay sau lễ khai giảng, chị Nguyễn Thu Hà có con đang học tại một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội đã nhận được thông báo đóng 534.000 đồng tiền BHYT và 80.000 đồng tiền bảo hiểm thân thể cho con. Theo lời con gái chị, cô giáo đã nhắc nhở tiền bảo hiểm thân thể có thể phụ huynh không đóng nhưng BHYT thì bắt buộc.

Dù hiểu đây là quy định của nhà nước và cũng là vì quyền lợi của con nhưng chị Hà không khỏi băn khoăn. Mua BHYT cho con vài năm nay nhưng con chị chỉ đi khám đúng tuyến duy nhất 1 lần. Khi khám xong, bác sĩ kê đơn 5 loại thuốc thì có 3 loại chị phải mua ở ngoài vì không có trong danh mục thuốc BHYT còn khu khám bệnh thì quá tải. Kể từ đó, mỗi khi con ốm, chị thường đưa thẳng con lên tuyến trên điều trị vì nghĩ đằng nào cũng mất tiền, chọn chỗ tốt khám cho yên tâm.

 

Học sinh tiểu học ở Hà Nội trong ngày khai trường Ảnh: NGỌC DUNG
Học sinh tiểu học ở Hà Nội trong ngày khai trường Ảnh: NGỌC DUNG

 

“Mức tiền đóng tăng cao như vậy các bộ, ngành cũng nên nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các cháu” - chị Hà kiến nghị.

Cũng có chung nỗi niềm như chị Hà, chị Phùng Thị Yến sống tại quận Cầu Giấy cho hay chỉ riêng tiền BHYT chị đóng cho 2 con đã hơn 1 triệu đồng. Cộng các khoản tiền trường đầu năm, chị Yến phải chi đến gần 10 triệu đồng.

Trước việc BHYT tăng cao so với năm trước, nhiều phụ huynh ở tỉnh Gia Lai đã không mua cho con em mình. Ông Trần Văn Tá (ngụ tổ dân phố 6, thị trấn Pleiku) cho biết nhà có 2 đứa con đang đi học lớp 8 và lớp 12. Năm học 2014-2015, ông đã đóng tiền cho 2 con gần 700.000 đồng mà không sử dụng lần nào nên thấy rất “phí”. “Năm nay, mức BHYT lại tăng lên, nếu đóng cả 2 con thì quá lớn, cộng thêm các khoản khác cũng đến gần 10 triệu đồng. “Tiền công tôi đi làm thuê còn không đủ cho cả nhà ăn, lấy đâu ra nhiều tiền vậy. Nên tôi không mua BHYT để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó” - ông Tá nói.

Một trong những lý do khiến nhiều phụ huynh cho rằng việc tăng mức đóng BHYT cho HS-SV là vô lý vì chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở vẫn giẫm chân tại chỗ, chưa đáng “đồng tiền, bát gạo”. “Không ai mong con mình ốm đau để sử dụng thẻ BHYT nhưng tăng mức đóng BHYT lên như vậy, quyền lợi của HS-SV có được hơn những gì so với mức đóng cũ hay vẫn là cảnh xếp hàng dài dằng dặc chờ đợi được khám bệnh, vẫn là những viên thuốc rẻ tiền rồi muốn con dùng thuốc tốt phải tự bỏ tiền túi ra mua? Chưa kể Quỹ BHYT HS-SV chi không hết thì tăng để làm gì?” - chị Lê Vân (ngụ quận Hoàng Mai) thắc mắc.

Thu thì buồn, không thu thì bị ảnh hưởng thi đua

Trong khi các phụ huynh bức xúc thì giáo viên các trường cũng khổ sở không kém. Một cô giáo ở Trường THCS Trần Khánh Dư (xã Vinh Quang, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết đến nay, lớp do cô chủ nhiệm mới chỉ có 1 học sinh mua BHYT và 2 học sinh mua bảo hiểm tai nạn. “Họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh than phiền mức đóng BHYT cao hơn năm ngoái. Tôi cũng đã giải thích là do ngành bảo hiểm quy định chung. Bên cạnh đó, trường không bắt buộc mua bảo hiểm nên nhiều phụ huynh không mua cho con” - giáo viên này chia sẻ.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bắc Giang cho hay các khoản thu đầu năm học mới rất nhiều, lại cộng thêm mức thu BHYT tăng gấp đôi khiến giáo viên chủ nhiệm rất khó ăn nói khi họp phụ huynh. Thu làm nhiều đợt thì khó cho nhà trường.

Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại quận Đống Đa nói thêm nhà trường thu hộ BHYT cho ngành BHXH nhưng nhiều phụ huynh lại phản ứng mạnh với giáo viên khiến các thầy cô rất buồn. “Giáo viên của chúng tôi phải giải thích rất nhiều về khoản thu này với phụ huynh nhưng nhiều người vẫn phản ứng. Mà nếu không thu thì e rằng sẽ ảnh hưởng đến thi đua vì chỉ tiêu mua BHYT cũng là một tiêu chí đánh giá thi đua của trường” - hiệu trưởng này nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang xây dựng thông tư về BHYT để ban hành và áp dụng trong năm học tới; trong đó giao trách nhiệm, chỉ tiêu cho các trường và kết quả thực hiện sẽ là tiêu chí đánh giá thi đua của nhà trường và rèn luyện của học sinh. Ngành giáo dục phấn đấu cuối năm 2015 có hơn 95% số HS và 92% số SV tham gia BHYT, đạt 100% số HS-SV tham gia vào năm 2016.

Thay đổi thời gian thu vào cuối năm

Trước những băn khoăn về việc có phải vì bảo hiểm trích phần trăm hoa hồng cho các trường mà các trường gây áp lực thu đủ 100% lên giáo viên hay không, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng việc cơ quan BHXH trích lại phần trăm để chi trả tiền thù lao thu BHYT cho các cơ sở giáo dục cũng là sự động viên các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo song không phải vì thế mà các trường gây áp lực thu đủ 100%. “Vì BHYT là bắt buộc, các trường có trách nhiệm tuyên truyền, vận động học sinh tham gia BHYT và thu BHYT. Nhiều cơ sở giáo dục đã yêu cầu HS-SV phải đóng 12 tháng trong một lần vào đầu năm học gây khó khăn cho học sinh và gia đình người học, gây bức xúc trong dư luận” - bà Nghĩa nói.

Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở GD-ĐT, các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan BHXH của địa phương thực hiện việc thu tiền. HS-SV nộp vào quỹ BHYT 6 tháng một lần và không thu vào đầu năm học để giảm áp lực về tài chính. Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu và điều chỉnh về phương thức đóng BHYT, cụ thể là định kỳ đóng BHYT là 3 tháng đối với nhóm đối tượng là HS-SV. Thời gian thu BHYT đối với các cơ sở giáo dục vào khoảng đầu tháng 12 của năm dương lịch…

 

Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:

Tăng theo lộ trình!

 

img

 

Tiền BHYT tăng gấp đôi so với năm ngoái là do mức đóng tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% theo quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên nhóm đối tượng này áp dụng theo luật mới. Thay vì đóng BHYT tương ứng 3% lương cơ sở như trước, năm nay HS-SV phải đóng ở mức 4,5% lương cơ sở, tương đương 434.700 đồng/12 tháng. Tuy nhiên, nhóm HS-SV cũng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% HS phải tự đóng. Mức đóng này có thể giảm dần tùy theo sự hỗ trợ của địa phương.

Năm nay, BHYT của HS-SV sẽ không thu theo năm học mà thu theo năm dương lịch nên năm học 2015-2016 thời hạn của thẻ BHYT có giá trị trong vòng 15 tháng (tức là có hiệu lực từ tháng 10-2015 đến ngày 31-12- 2016). Khi đi khám bệnh đúng tuyến, HS-SV có thẻ BHYT được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh, đồng chi trả 20%. Riêng với nhóm SV thuộc hộ gia đình nghèo sẽ được quỹ BHYT chi trả ở mức cao hơn theo quy định của luật.

Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:

Các cháu gánh cho người già

 

img

 

Nếu tính cân đối trên bình diện riêng của khối HS-SV tham gia thì đúng là quỹ BHYT HS-SV chi không hết nhưng người già, nhất là các bác đã về hưu, quỹ tính riêng cho các bác về hưu bị thâm hụt rất nhiều. Vì vậy, chúng ta đang huy động người trẻ là các HS-SV để hỗ trợ cho những người già yếu.

Đối với HS-SV, quỹ BHYT còn trích lại 7% để thực hiện khám chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường. Trường hợp nhà trường không có trung tâm y tế học đường có thể liên kết với trạm y tế xã để bảo đảm việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy, nhà trường thu ở đây chính là lo cho các HS, lo cả chăm sóc sức khỏe ban đầu và lo việc tham gia BHYT có trách nhiệm với các cháu.

Không ai mong muốn tham gia BHYT để ốm, chỉ mong rằng khi ốm được quỹ BHYT hỗ trợ chi phí. Nhưng tham gia BHYT bắt buộc còn là sự sẻ chia, tương trợ trong cộng đồng, thể hiện tính nhân văn cao cả.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo