Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” lần thứ 15-2016 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Công ty CP Phân bón Bình Điền (tài trợ vàng), Ngân hàng Phương Đông (tài trợ bạc) và Tập đoàn Vingroup (tài trợ đồng) chính thức khai mạc tại Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú, TP HCM) lúc 7 giờ 30 hôm nay, ngày 23-1.
Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi 10 chương trình tại các tỉnh, thành trong cả nước. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV 4 -Đài Truyền hình TP HCM.
Thí sinh tại Trường THPT Tân Bình chăm chú lắng nghe các thầy, cô tư vấn
Ban tư vấn chương trình gồm:
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
- PGS- TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài Chính – Marketing.
- ThS Lê Ngọc Tứ, Đại diện Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM
- TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP HCM
- ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân Hàng TP HCM
- ThS Nguyễn Thanh Quang – Phó Trưởng Phòng Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
- ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen
- ThS Lê Bình Trung, Trưởng Phòng Tuyến sinh, Trường ĐH FPT
- Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch
Chương trình có sự tham gia của các khách mời: Ông Hà Hữu Phúc, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM; Ông Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; Ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng trường THPT Tân Bình; Ông Lê Đình Vũ Long, Giám đốc Phát triển kinh doanh ngân hàng Phương Đông Ngân hàng Phương Đông; TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT
Đặc biệt, sự tham gia nhiệt tình của gần hơn 1.000 học sinh từ Trường THPT Tân Bình và các trường THPT lân cận.
Ban tư vấn chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2016
Ông Nguyễn Văn Tín - Phó tổng biên tập Báo Người Lao Động - thay mặt Báo Người Lao Động cám ơn tất cả các em học sinh đã đến tham dự nhiệt tình, nghiêm túc đồng thời gửi lời cảm ơn đến ban tư vấn. "Đây là buổi đầu tiên khai mạc chương trình “Đưa trường học đến thí sinh năm 2016”. 15 năm qua chúng tôi đã đi tư vấn và sở dĩ chương trình vẫn tồn tại vì cung cấp những thông tin thiết thực với học sinh, phụ huynh, giáo viên. Các năm trước chương trình hay đi vào những TP lớn nhưng năm nay chúng tôi đi đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa nơi các phụ huynh, thầy cô giáo, học sinh ít được tiếp xúc với thông tin", ông Tín nói. Chương trình cũng quan tâm đến công tác hướng nghiệp, hầu như đang bị bỏ ngỏ. Các em thường chọn ngành chọn trường không xuất phát từ sở trường bản thân mà theo trào lưu, theo ngành "hot". Ông Tín cũng chúc các em có được thông tin bổ ích sau buổi tư vấn này.
Ông Nguyễn Văn tín tặng hoa cho các khách mời
Phần 1: Tư vấn chung:
*TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM thông tin về những điều cơ bản đáng lưu ý trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016. TS Nghĩa cho biết tại TP HCM không tổ chức cụm thi do sở chủ trì, mà chỉ các cụm thi do các 8 trường ĐH chủ trì. Thí sinh ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Long An cũng thi tại các cụm thi này. Dự kiến lịch thi không thay đổi, thí sinh thi tối thiểu 4 môn , 3 môn bắt buộc (toán, văn, Anh văn), 1 môn tự chọn trong các môn: Lý, hóa, sinh, sử, địa. Thí sinh chọn môn thi nào thì môn đó sẽ được tính điểm để xét tốt nghiệp THPT. Các trường xét tuyển ĐH được chia làm 2 nhóm: Thứ nhất, nhóm các trường chỉ dùng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2016, thứ hai là nhóm trường vừa dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa dùng kết quả học bạ để xét tuyển. Dự kiến trong năm 2016 này, để tránh tình trạng hỗn loạn, mỗi HS chỉ được cấp 1 giấy báo điểm duy nhất. Học sinh đăng ký được 1 ngành ở 2 trường khác nhau, có cùng mã ngành.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH FPT
ThS Lê Ngọc Tứ, Đại diện Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM
*TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT nhắn nhủ đến các thí sinh những vấn đề sau: Thứ nhất, cần có đam mê vì có đam mê mới vượt qua khó khăn được. Ngoài ra, thí sinh cần chuẩn bị cho mình khối kiến thức nền, tinh thần trước khi chọn trường, chọn ngành. Thứ hai, các em nên lựa chọn ngành theo thế mạnh của mình. Những môn mà các em có thế mạnh sẽ giúp các em đạt kết quả cao trong kỳ thi, thích nghi nhanh trong môi trường ĐH. Thứ ba là cần chọn ngành mà nhu cầu trong xã hội đang cần trong những năm tới. Và các bạn lưu ý, cơ cấu ngành nghề hiện nay đang thay đổi và biến động rất nhiều. Các bạn năm nay 18 tuổi rồi, nếu gặp trở ngại từ phụ huynh các bạn nên giải thích và quan điểm rõ ràng. Bởi vì ngành nghề cách đây 20 năm khác hôm nay. Trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ ở VN sẽ trường phù hợp với bạn.Chúc các bạn thành công
Phần 2. Tư vấn trực tiếp:
* Em rất thích làm đài truyền hình, cụ thể là nghề lồng tiếng. Em có lên google tìm kiếm mà không thấy. Cho em hỏi có trường nào đào tạo? Khi đăng ký ngành nào thì chú ý ngành đó học gì, ra trường làm gì (Lê Ngọc Thanh Thùy, 12A7, Trường THPT Tân Bình)
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Lồng tiếng tuy là một nghề nhưng hiện nay chưa trường nào đào tạo nghề này. Hiện nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM hoặc CĐ Phát thanh - Truyền hình đào tạo ngành báo chí, trong đó có các loại hình báo in, báo hình, báo điện tử… trong đó có các nghiệp vụ, kỹ năng chung về nghề báo. Tuy nhiên, tôi khuyến cáo các em khi đăng ký ngành nào thì cần chú ý xác định trước ngành đó học gì, ra trường làm gì. Tuy đăng ký và theo học 1 ngành nhưng ra trường, các em có thể làm được rất nhiều nghề liên quan.
*Ngành ngôn ngữ Anh thì trường nào đào tạo? Tiêu chí nào? Ra trường làm việc ở đâu? (Khánh Nhi, 12A1)
- ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen: Tố chất đầu tiên khi học ngành này là em phải có khả năng ngôn ngữ nhất là tiếng Anh. Môn tiếng Anh nhiều trường xét tuyển theo hệ số 2. Hiện ngành này tại Trường ĐH Hoa Sen nhiều chuyên ngành như biên phiên dịch, sư phạm, kinh tế - thương mại.
ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân Hàng TP HCM: Hiện rất nhiều trường ĐH đều có đào tạo ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, thế mạnh của từng trường là khác nhau, như sư phạm thiên về là giảng dạy, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM thiên về khoa học xã hội. Riêng Trường ĐH Ngân hàng, thế mạnh của ngành ngôn ngữ Anh là về kinh tế. Khi đam mê về ngành ngôn ngữ Anh, các em nên nghiên cứu việc ra trường sẽ đi theo hướng nào để chọn lựa.
ThS Nguyễn Thanh Quang – Phó Trưởng Phòng Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
* Em muốn thi ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, ngoài Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đào tạo ngành này còn trường nào nữa?
- ThS Nguyễn Thanh Quang – Phó Trưởng Phòng Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, có liên quan đến xe - là phương tiện không thể thiếu trong đời sống hiện đại, ngày càng phát triển và đây là ngành được nhiều thí sinh quan tâm. Đây là ngành thú vị. Ngành này tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có nhiều thay đổi theo sự phát triển của ngành ô tô hiện đại. Tại TP HCM, có 2 trường đào tạo ngành này là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM Trường ĐH Bách Khoa TP HCM. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ngoài đào tạo kỹ sư, ô tô, lắp ráp, kinh doanh ô tô, trường cũng là nơi đào tạo các chuyên gia cho các hãng ô tô lớn.
*Em được biết ĐH Hoa Sen có học bổng khuyến học. Em đang phân vân giữa ngành kế toán và quản trị công nghệ truyền thông. Nếu em chọn ngành kế toán và nhận học bổng khuyến học của ngành này nhưng sau đó thấy không hợp, em có thể chuyển qua ngành quản trị công nghệ truyền thông?
- ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen: Khi chuyển ngành, em vẫn có thể tiếp tục nhận được học bổng này của trường. Tuy nhiên, 2 ngành này đòi hỏi các tố chất khác nhau: Ngành kế toán thiên về hướng nội trong khi ngành quản trị công nghệ truyền thông hướng ngoại. Em nên cân nhắc kỹ để chọn cho mình đúng ngành phù hợp tính cách.
Thí sinh hỏi về nghề lồng tiếng nên thi trường nào?
* Một phụ huynh hỏi: Hiện nay, có tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, vậy ban tư vấn tư vấn cho học sinh chọn nghề nào để ra trường không thất nghiệp?
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài Chính – Marketing: Xác định ngành nghề trong tương lai là việc làm hết sức cần thiết đối với thí sinh để biết được xu hướng phát triển trong những năm tới, xác định các ngành nghề tương ứng với năng lực, sở trường của mỗi người. Do đó, phụ huynh phải xác định được con mình có đam mê, khả năng gì, lựa chọn ngành nghề có đúng không. Chúng ta cũng cần phân ra các khối ngành, từ đó giúp con xác định nên đi theo khối ngành nào thì phù hợp. Nên chú trọng những ngành thuận lợi gia nhập khối ASEAN, có đầu ra rộng.
ThS Hoàng Đức Bình bổ sung: điều đầu tiên quý phụ huynh phải biết con mình giỏi cái gì, thiên về gì, thế mạnh gì. Những dự báo đều có thể thay đổi.
PGS- TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực
phẩm TP HCM
ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân Hàng
TP HCM
* Ban tư vấn có thể cung cấp thông tin về ngành logistics? Trường nào đào tạo ngành này?
Ban tư vấn: Đây là ngành mới nhưng ở Việt Nam khai thác hết tiềm năng. Muốn làm ngành này, các em có thể thi vào các trường khối kỹ thuật, liên quan dịch vụ giao thương hàng hải, kỹ thuật tàu biển. Hiện nay khu vực phía Nam có hai trường đào tạo ngành này đó là ĐH Giao thông vận tải TP HCM và ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM). Các trường ĐH Ngân hàng TP HCM ĐH Kinh tế TP HCM và ĐH Ngoại thương (cơ sở 2, TP HCM) có đào tạo ngành học này lồng ghép trong các ngành kinh doanh quốc tế, ngoại thương.
*Môn năng khiếu Trường ĐH Sư phạm TP HCM tuyển sinh như thế nào?
ThS Lê Ngọc Tứ, Đại diện Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM: Các em chọn ngành giáo dục mầm non là ngành năng khiếu. Khi chọn ngành này, các em phải có niềm đam mê rất lớn vì rất vất vả. Đầu tiên, thí sinh phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia, sau đó, trường sẽ có thông báo về thời gian thi môn năng khiếu này sau khi kỳ thi THPT Quốc gia.
* Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có ngành dược học không? Ngoài tổ hợp toán-hóa-sinh, trường còn tuyển sinh theo tổ hợp nào nữa?
- Thầy Nguyễn Ngọc Hà, Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Hiện trường ĐH Y Khoa Phạm chưa mở ngành dược học. Thí sinh thi vào các ngành trong trường theo khối B truyền thống gồm các môn toán-hóa-sinh và thi thêm 1 môn ngoại ngữ làm tiêu chí phụ xét đồng điểm (Điểm Ngoại ngữ THPT ≥ 7 điểm đối với ngành khúc xạ nhãn khoa)
* Em muốn thi vào lĩnh vực thủy hải sản, tại Trường ĐH Nông Lâm có những ngành nào liên quan lĩnh vực này? Nếu em muốn học chế biến thủy sản thì trường có đào tạo không? Lĩnh vực nông học cơ hội việc làm như thế nào ạ?
- TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP HCM: Tại ĐH Nông Lâm TP HCM, các ngành liên quan lĩnh vực thủy hải sản gồm: Nuôi trồng thủy sản và công nghệ chế biển thủy sản, hoặc kinh tế tuyển sinh ở cả khối A và B. Về việc làm sau khi tốt nghiệp của ngành nông học: Kỹ sư ngành nông học có thể làm việc tại các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, viện nghiên cứu về nông nghiệp, viện sinh học nhiệt đới, các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các trung tâm khuyến nông, chi cục hay trạm bảo vệ thực vật, các tung tâm giống cây trồng, các nông trường, nông trại, trang trại, các công ty nhà nước hay các liên doanh hoặc tư nhân trong kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).
Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo hoặc học tiếp các bậc học ThS, TS chuyên ngành. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông học rất lớn từ các công ty (như Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam, Công ty Cây Xanh TP.HCM,..), các xí nghiệp hoặc các thương nghiệp hỗn hợp hay các công ty có vốn nước ngoài (như Bayer Agritech Saigon,...) hoặc các trang trại ở miền Đông Nam bộ, Nam Tây nguyên.\
Ngoài ra, thí sinh ở TP HCM có thể thi vào các ngành liên quan như: Thú y, chăn nuôi, công nghệ rau quả và cảnh quan...
*Em muốn thi vào ngành quản trị du lịch và khách sạn, nên thi trường nào, cơ hội việc làm ra sao?
ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài Chính – Marketing: Quản trị du lịch là ngành đang rất rộng mở do trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, giao lưu hàng hóa phát triển, do đó ngành này đang đứng trước cơ hội mới. Đây cũng là cơ hội cho các bạn đã có tư duy dấn thân vào công việc hướng dẫn viên trong và ngoài nước. Trường ĐH Tài chính – Marketing tập trung nhiều nguồn lực để đào tạo ngành này và quản trị du lịch và khách sạn là 1 trong những khoa đông sinh viên nhất của trường. Ngành tuyển sinh theo tổ hợp môn: Toán - lý - hóa ; toán - lý - Anh văn và toán – văn - Anh văn.
* Tâm Như (học sinh lớp 12A6, Trường THPT Tân Bình) hỏi: Em muốn học ngành quản lý khách sạn của Trường ĐH Hoa Sen. Trước khi thi vào trường có cần phải có chứng chỉ gì không? Có phải sau khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên phải làm tất cả những công việc như lao công, tạp vụ ở khách sạn?
ThS Hoàng Đức Bình cho biết: Ngành quản lý khách sạn có thể hiểu là ngành mà lúc người ta đi chơi thì các em làm. Ngành cũng bắt buộc các em phải làm việc và giao tiếp rất tốt. Đây cũng là ngành này liên quan đến hội nhập quốc tế, càng làm việc ở khách sạn lớn thì các em càng phải giỏi tiếng Anh. Hiện nay nhiều trường tuyển khối D1. Muốn quản lý được tốt thì chúng ta phải làm, phải trải nghiệm mới biết từng vị trí công việc như thế nào, kể cả lao công, tạp vụ…
*Em muốn thi ngành tâm lý học của Trường ĐH Sư phạm TP HCM mà sợ điểm cao dễ rớt. Ban tư vấn có thể cho em biết thêm về ngành này?
- ThS Lê Ngọc Tứ, Đại diện Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM: Trường ĐH Sư phạm TP HCM có nhiều thế mạnh về đào tạo ngành tâm lý học, với trưởng khoa tâm lý học của trường là GS-TS Huỳnh Văn Sơn. Ngành tâm lý học với chuyên ngành tư vấn học đường được nhiều thí sinh chọn lựa. Sinh viên tốt nghiệp sẽ tư vấn cho lứa tuổi học sinh, nhu cầu xã hội đang rất cần
Chương trình kết thúc truyền hình trực tiếp vào lúc 9 giờ nhưng ban tư vấn vẫn nán lại, di chuyển qua khu vực dành cho từng trường để trả lời trực tiếp câu hỏi của từng thí sinh đến 11 giờ.
Sáng mai, 8 giờ ngày 24-1, chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2016 sẽ tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp. Báo Người Lao Động tiếp tục tường thuật online, mời bạn đọc theo dõi.
Bình luận (0)