Sáng 17-3, hơn 2.000 học sinh (HS) tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung tại Phân hiệu Trường ĐH Mở TP HCM ở thị xã Ninh Hòa để tham dự chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2019" do Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Khánh Hòa.
Muốn khởi nghiệp, học gì?
Chưa phải là khu vực trung tâm phát triển của tỉnh Khánh Hòa nhưng HS khu vực thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh thực sự khiến ban tổ chức và các thành viên ban tư vấn bất ngờ vì tinh thần háo hức, hăng say đến với chương trình. Dù chương trình chính thức diễn ra lúc 8 giờ nhưng từ 7 giờ, những đoàn xe đưa HS đã đưa các em tập trung đông đủ tại cổng trường. Em Trần Hà My (HS Trường THPT Trần Quý Cáp) cho biết em dậy từ rất sớm, tập trung cùng các bạn đến để nghe tư vấn. Mong muốn của em khi đến với chương trình là tìm hiểu về ngành công tác xã hội, vì ở trường em tham gia công tác Đoàn và thấy mình phù hợp với các ngành nghề liên quan đến công tác xã hội.
Học sinh thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh hào hứng với chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2019”. Ảnh: Quang Liêm
Những câu hỏi liên tục được nêu cho ban tư vấn chứng tỏ nhu cầu tìm hiểu thông tin của HS là rất lớn. Một HS đặt thẳng câu hỏi: "Muốn học kinh doanh, quản lý kinh tế, khởi nghiệp thì học ngành gì?". TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: "Muốn khởi nghiệp tốt thì khối ngành phù hợp nhất với các em là quản trị kinh doanh. Hiện nay, trường có đào tạo ngành này, trong đó có một số môn liên quan đến hướng dẫn khởi nghiệp". TS Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng cơ sở An Phú Đông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bổ sung: "HS học ngành nào cũng có thể khởi nghiệp được. Chẳng hạn như học luật thì mở văn phòng luật sư...".
Nhiều HS đặt câu hỏi liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, như cần yếu tố nào để thành công trong ngành công nghệ thông tin. Theo TS Tuấn, ngành này cần những tố chất cơ bản như giỏi các môn về tự nhiên, ngoài ra cần trau dồi ngoại ngữ vì các em cần tiếp cận với giáo trình, tài liệu bằng tiếng Anh khá nhiều… Cơ hội việc làm: sau khi tốt nghiệp, hầu hết có việc làm, lương trên 10 triệu đồng/tháng. Một số HS lại đặt câu hỏi về tầm quan trọng của kỹ năng mềm khi khởi nghiệp, bà Ngô Thị Thanh Tâm, Giám đốc marketing Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ, chia sẻ: Kỹ năng mềm là quan trọng, ngoài học trong trường thì còn học ở ngoài. "Với tôi thì đơn giản, đó là làm việc nhóm, bạn làm việc thế nào, bạn giao tiếp ra sao để công việc của mình thành công" - bà Tâm nói.
Tìm hiểu cặn kẽ ngành nghề
Hồng Duyên (HS Trường THPT Nguyễn Trãi) tìm hiểu: "Em học ngành Việt Nam học có thể làm quản lý du lịch lữ hành được không?". PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết: Ngành này chuyên sâu về văn hóa, lịch sử, kinh tế… nên phù hợp với ngành du lịch.
Hàng trăm câu hỏi trong chương trình trực tiếp và phần tư vấn riêng sau đó khiến sân trường như nóng lên theo nhiệt độ buổi trưa của thị xã miền Trung. Nhiều HS không ngần ngại hỏi thẳng sự khác nhau giữa các ngành nghề, cách xét tuyển và chế độ học phí ra sao? HS Trương Minh Vũ (Trường THPT Lê Hồng Phong) hỏi: "Giống và khác giữa ngành kế toán và kiểm toán, học xong có thể làm trong ngành tài chính - ngân hàng được không?". TS Hồ Hữu Thụy, Trưởng Khoa Kế toán Kiểm toán Trường ĐH Mở TP HCM, giải đáp: Khác biệt nhất là kiểm toán học tất cả kiến thức kế toán. Kiểm toán nhằm kiểm tra những báo cáo tài chính của kế toán nên cần phải có những kỹ thuật nhất định, học kiểm toán đại cương, kiểm toán nội bộ… chương trình kiểm toán dài hơn kế toán. Học kiểm toán có thể làm ở công ty, tập đoàn, doanh nghiệp, cũng có thể làm ở bộ phận kiểm soát nội bộ tại các ngân hàng. Hiện nay, học phí của Trường ĐH Mở là 18,5 triệu đồng/năm cho ngành kế toán - kiểm toán. Cơ hội việc làm của ngành này rất nhiều, không những trong nước mà còn ở các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu làm tốt, lương có thể lên 1.000 USD/tháng.
TS Đặng Thị Ngọc Lan bổ sung: Năm 2019, ngành này là ngành "hot" thứ tư trong nhóm 10 ngành nhu cầu nhân lực cao. Sự luân chuyển ngành này rất lớn, khi đăng ký xét tuyển cần lưu ý: có nhiều trường đây là ngành riêng, có nhiều trường kiểm toán là chuyên ngành trong ngành kế toán.
Em Trần Minh Trang (HS Trường THPT Trần Cao Vân) hỏi đào tạo song ngữ là gì? PGS-TS Trần Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, tư vấn: Trường có đào tạo 2 chương trình, một là hoàn toàn bằng tiếng Việt và chương trình hội nhập quốc tế. Trong chương trình này, các môn đại cương đào tạo bằng tiếng Việt, số còn lại đào tạo bằng tiếng Anh. Hiện có một số ngành tại trường đào tạo song ngữ, nếu các bạn tự tin về ngoại ngữ của mình thì học song ngữ.
Đặng Hồng Lĩnh (HS Trường THPT Lê Hồng Phong) hỏi: "Em nghe nói các anh chị ở Trường ĐH Nông Lâm học 2 ngành cùng lúc. Sự khác nhau giữa học ở cơ sở chính và phân hiệu?".
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, trả lời: "Học cùng lúc 2 chương trình nhằm tạo điều kiện cho các em có thể nhận được 2 bằng. Đây là học cùng lúc 2 chương trình chứ không phải văn bằng 2. Sau năm nhất, điểm của ngành thứ nhất từ 2 trở lên; nếu khi đăng ký xong nhưng kết quả học tập lại dưới 2, em sẽ bị hủy học bằng. Về việc học ở cơ sở chính hay phân hiệu, nếu em muốn ăn cơm nhà học ĐH thì nên học trường địa phương…
Sau khi chương trình tư vấn trực tiếp kết thúc, rất nhiều HS vẫn nán lại ở sân trường để tiếp tục đặt câu hỏi với ban tư vấn và các em đã phần nào "thỏa" được cơn khát thông tin khi ban tư vấn đã tận tình tư vấn cho HS.
Lưu ý các mốc thời gian quan trọng
Tại chương trình, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - lưu ý thí sinh những mốc thời gian quan trọng trước kỳ thi. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố quy chế tuyển sinh, nhìn chung giữ nguyên như kỳ thi 2018. Tuy nhiên có một số thay đổi, việc đăng ký dự thi và xét tuyển chỉ trong vòng nửa tháng nữa là bắt đầu. Đề thi nằm trong chương trình THPT chủ yếu lớp 12. Hiện nay đã có đề minh họa để các em tham khảo. Công thức tính điểm thi xét tốt nghiệp có thay đổi.
Tại tỉnh Khánh Hòa, nếu áp dụng công thức xét tốt nghiệp năm 2019 thì các em cần nỗ lực hơn nữa, năm 2018, tỉ lệ tốt nghiệp của HS tỉnh Khánh Hòa xấp xỉ tỉ lệ cả nước là 98%. Các em được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trong khoảng 1 tuần. Thí sinh có nhu cầu thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong 2 phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
Nữ có nên học cơ khí?
Em Phan Nguyễn Thu Hà (HS Trường THPT Trần Quý Cáp) hỏi: "Nữ có học công nghiệp kỹ thuật cơ khí được hay không?". Theo PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trường ưu tiên nữ học kỹ thuật, được giảm 50% học phí khi học cơ khí. Trước kia, nghĩ ngành này vất vả, khó khăn nhưng nay áp dụng công nghệ rất cao nên các em chỉ cần sử dụng đầu óc của mình, phù hợp với những bạn nữ và những bạn nam có sự sáng tạo.
Một HS Trường THPT Trần Cao Vân đặt vấn đề em học quản trị khách sạn, phương thức xét tuyển như thế nào, cơ hội việc làm ra sao? TS Nguyễn Trọng Tuấn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: Ngành quản trị nhà hàng xét học bạ, xét theo kết quả thi năng lực của ĐHQG TP HCM và thi riêng. Những ngành em quan tâm đang rất cần nhân lực nên cơ hội việc làm rất cao.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ:
Bình luận (0)