Sáng 23-4, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2022 đã được Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND tỉnh Long An và Sở GD-ĐT tỉnh tổ chức tại Trường THPT Tân An. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Long An.
Học gì để làm việc ở quê nhà?
Ngay từ sáng sớm, hơn 1.000 học sinh (HS) từ các trường THPT tại TP Tân An, tỉnh Long An đã tập trung tại Trường THPT Tân An để tham dự chương trình. Sự có mặt của PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cùng các chuyên gia giàu kinh nghiệm về hướng nghiệp, tuyển sinh tại các trường ĐH lớn phía Nam đã tạo sức hút và sự tin tưởng khi hàng trăm câu hỏi được gửi tới chương trình.
Nhiều câu hỏi thiết thực liên quan đến quyền lợi của thí sinh Long An khi dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm nay sau nhiều tháng không đến trường do dịch Covid-19. "Nếu đang là F0 ngay thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT thì có được ưu tiên không?" - một HS Trường THPT Hùng Vương hỏi.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết: Hiện nay, số F0 trên cả nước vẫn còn nhiều. Rất khó có sự ưu tiên đặc biệt cho HS là F0. Có thể các triệu chứng của bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập nhưng các em hãy nghĩ đến yếu tố tích cực, như nếu đã là F0 thì có kháng thể nên cũng không cần lo lắng, có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh các trường ĐH, CĐ như mong muốn. Năm 2022, Bộ GD-ĐT không tổ chức thi đợt 2 nhưng các em nếu chẳng may là F0 và có triệu chứng nặng, không thể dự thi thì vẫn có cơ hội xét tuyển.
Một HS Trường THPT Tân An hỏi có thể chọn nghề nào phù hợp ở Long An và ĐBSCL, nên chọn nghề theo tiêu chí nào? TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên - ĐHQG TP HCM, giải đáp: Để chọn nghề phù hợp, các em cần nhớ mục tiêu là lập nghiệp. Nghề nghiệp lý tưởng phải là nghề mà các em thật sự đam mê, những ngành các em có thể làm tốt (coi phân tích điểm mạnh - yếu của nghề đó, áp lực của nghề) và nghề mà xã hội cần. Giao thoa 3 trụ cột đó là nghề nghiệp lý tưởng. Ngành nào có nhiều trường đào tạo thì ngành đó xã hội cần.
Với Long An, theo TS Mai, một số ngành nghề HS cần lưu ý gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất, chế biến nông sản; công nghệ sau thu hoạch; bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng, sinh học...; nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra, còn có các ngành công nghệ cao, công nghệ tri thức, môi trường, công nghệ vật liệu mới, điện tử và phần mềm, sản xuất khí hóa lỏng, chế tạo pin năng lượng mặt trời...
Học sinh đặt câu hỏi trực tiếp với Ban Tư vấn chương trình. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngành nghề nào vẫn cần trong 5-10 năm tới?
Em Trần Minh Phúc, HS Trường THPT chuyên Long An, hỏi: Trong quá trình chọn ngành nghề, các chuyên gia khuyên chọn nghề theo nhu cầu thị trường. Với tình hình hiện nay thì 4-5 năm nữa, thị trường có thay đổi, làm sao chọn ngành nghề mà biết nhiều năm sau vẫn cần?
TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết có những ngành nghề mà trong 10 năm hay 20 năm sau vẫn rất cần thiết. HS có thể tìm hiểu thông tin qua các nghiên cứu, khảo sát của các tổ chức về lao động. Chẳng hạn, ngành công nghệ thông tin sau nhiều năm thì nhu cầu lao động vẫn rất lớn.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy bổ sung: Hiện nay, các trường ĐH có xu hướng đào tạo liên ngành, các ngành sẽ có sự giao thoa rất nhiều. Chẳng hạn khi học tài chính, các em hoàn toàn có thể chuyển sang học marketing. Vì thế, các em cứ mạnh dạn lựa chọn theo sở thích của mình.
Em Võ Trung Nghĩa, HS Trường THPT Tân An, cho biết em quan tâm đến ngành digital marketing cũng như cơ hội việc làm của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Theo ông Ngô Trí Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch Covid-19, khi các lĩnh vực khác đều chững lại hoặc trì trệ thì digital marketing lại lên ngôi và trở thành ngành thời thượng do nhu cầu tăng vọt của xã hội. Để theo học ngành digital marketing, các em cần có sự năng nổ, nhiệt huyết, có khả năng làm việc nhóm và làm việc độc lập.
Trong khi đó, nhiều HS quan tâm đến ngành marketing, không rõ chương trình đào tạo sẽ học bao quát hay học chuyên ngành trước? ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho hay trường có 3 chương trình đào tạo ngành này. Trong đó, với chương trình chuẩn, khi trúng tuyển, thí sinh học năm nhất và được hướng dẫn chọn chuyên ngành để học vào năm 2. Chương trình đào tạo chất lượng cao, sinh viên học chuyên ngành ngay từ năm nhất.
Trước câu hỏi về cơ hội việc làm ngành tài chính ngân hàng, ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết ngành tài chính ngân hàng trong hệ thống đào tạo ĐH xếp là nhóm ngành kinh doanh quản lý. Sau khi ra trường, các em có thể làm việc tại các ngân hàng thương mại; công việc liên quan đến chứng khoán, làm giám đốc tài chính trong các doanh nghiệp; công nghệ tài chính… Hiện nay, lĩnh vực ngân hàng đã cần đến 300.000 lao động, chưa kể đến các công việc khác, nên nhu cầu lao động rất cao.
Chương trình sáng tạo, hiệu quả
Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, nhận định chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức đã giúp các bậc phụ huynh, HS nắm bắt kịp thời, chính xác những thông tin liên quan kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ; đồng thời bồi dưỡng kiến thức tư vấn hướng nghiệp cho đội ngũ thầy cô giáo. Rất nhiều thí sinh nhờ chương trình đã chọn được ngành nghề đúng với năng lực. UBND tỉnh Long An và Sở GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến vấn đề tư vấn tuyển sinh nên rất ủng hộ kế hoạch của Báo Người Lao Động với cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã hỗ trợ chuyên môn rất nhiều cho các trường THPT trong tỉnh...
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2022 được sự đồng hành của Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời đại (Sun Group), Trường CĐ Nova (Nova College), Tập đoàn Vingroup - Công ty CP, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP HCM và Công ty CP Uniben...
Bình luận (0)