Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 22-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức đã khai mạc tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng ngày 12-3. Chương trình có sự tham gia của 1.200 học sinh các trường THPT trên địa bàn TP Sóc Trăng, gần 100 giáo viên làm công tác hướng nghiệp cho học sinh và ban tư vấn đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ĐHQG TP HCM cùng các trường ĐH, CĐ.
Háo hức đặt câu hỏi "khó"
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết đây là lần đầu tiên bà tham gia một chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho học sinh tỉnh Sóc Trăng. Bà rất vui khi thấy những gương mặt rạng ngời, háo hức của các học sinh tham gia chương trình.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy trả lời câu hỏi của học sinh Sóc Trăng
Thông tin về kỳ tuyển sinh năm 2023, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết từ năm nay, điểm ưu tiên của thí sinh giảm dần khi đạt từ 22,5 (thang điểm 30) trở lên. Điểm ưu tiên chỉ được áp dụng cho năm đầu tiên xét tuyển và năm tiếp theo. Từ năm thứ 3 trở đi, nếu thí sinh vẫn tham gia xét tuyển thì không còn được cộng điểm ưu tiên.
Cũng từ năm nay, khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh không phải chọn tổ hợp, chỉ cần chọn ngành, chọn trường. Ngoài ra, kỳ tuyển sinh vẫn cơ bản ổn định như năm 2022 khi thí sinh có chung thời gian vừa đăng ký vừa điều chỉnh nguyện vọng. Việc đăng ký hoàn toàn trực tuyến, lọc ảo chung cho nhiều phương thức xét tuyển…
Nhiều học sinh đặt các câu hỏi đến các thành viên ban tư vấn. Trong đó, phần nhiều các em băn khoăn về chọn nghề, việc làm, thu nhập…
Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn .Ảnh: QUANG LIÊM
Một học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai cho biết em đang phân vân nên học kỹ thuật hay học ngành tâm lý. Nhiều thầy cô khuyên trước khi lựa chọn ngành, cần khám phá được bản thân để lựa chọn cho đúng. Vậy làm sao để khám phá được bản thân?
Theo TS Lê Văn Vinh, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, học sinh này cần xem xét em yêu thích hướng ngành nghề nào. Nếu em thích tìm tòi, nghiên cứu tỉ mỉ về kỹ thuật thì chọn kỹ thuật; nếu có sự năng động, thích giao tiếp xã hội thì chọn ngành tâm lý.
Những trăn trở của học sinh về chọn ngành nào, cơ hội việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp đã được các chuyên gia tư vấn trả lời cặn kẽ. TS Nguyễn Đình Khiêm, Phó trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định không có ngành nào là "hot" nhất, chỉ có người trong ngành đó "hot". Các ngành nghề đều tồn tại và phát triển, chúng ta phải biết đặt cái gì trước, cái gì sau. Ai cũng muốn là diễn viên, bác sĩ, kỹ sư... nhưng năng lực của mình có đạt được hay không, điều kiện có phù hợp không, từ đó mình chọn ngành rồi chọn nơi học. Các em hãy lọc ra thứ tự ưu tiên để có lựa chọn phù hợp nhất.
Nhiều học sinh băn khoăn việc xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức có được bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT? TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho hay sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, xét học bạ trường chuyên và năng khiếu là phương thức xét tuyển sớm. Mỗi phương thức xét tuyển có tiêu chí khác nhau nên thí sinh có thể sử dụng nhiều phương thức. Quan trọng là thí sinh phải tìm hiểu kỹ từng phương thức để tận dụng tối đa từng phương thức xét tuyển.
Học ngành gì để thăng tiến nhanh, thu nhập cao?
Nhiều học sinh hỏi trong bối cảnh hiện nay, các em nên học ngành nào để có cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến, thu nhập hấp dẫn.
Khối ngành công nghệ thông tin được nhiều học sinh quan tâm. Một học sinh hỏi về triển vọng ngành internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, khi theo học cần lưu ý gì? Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, nhóm ngành công nghệ thông tin rất rộng, có những khuynh hướng đào tạo chuyên sâu. IoT đào tạo về phần cứng; trí tuệ nhân tạo bản chất là bộ vi xử lý như ChatGPT. Để học các ngành này, sinh viên phải có tư duy logic tốt cùng khả năng tự học.
TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết hiện nay, công nghệ thông tin được ứng dụng ở tất cả ngành nghề. Người học được đào tạo theo hướng chuyên sâu sẽ làm việc chuyên về công nghệ thông tin. Ngoài ra, nhiều người học công nghệ thông tin để hỗ trợ các ngành nghề khác.
Khối ngành sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe tinh thần cũng được nhiều học sinh quan tâm đặt câu hỏi. ThS - dược sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Hênh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, thông tin trường đang đào tạo nhiều ngành trong khối sức khỏe như: dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật dược, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật phục hồi chức năng, y sĩ đa khoa, xét nghiệm y học. Trường này xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ.
Bên cạnh đó, học sinh cũng quan tâm về ngành tâm lý, sức khỏe tinh thần. ThS Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhận định trong 10 năm tới, ở Việt Nam, đây sẽ là ngành được quan tâm hàng đầu. Theo báo cáo của YouTube, trong 3 năm dịch COVID-19 xảy ra, giới trẻ tìm kiếm nhiều nhất không phải về ca nhạc, công cụ giải trí mà là những thủ thuật để chữa lành. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có đào tạo chuyên ngành tham vấn tâm lý và trị liệu. Các em có thể trở thành chuyên viên tham vấn học đường, làm ở bệnh viện, trung tâm hay khởi nghiệp.
Nỗi lo học phí cũng được nhiều học sinh đặt ra. Một học sinh cho rằng học phí của đa số trường ĐH ở mức khá cao. Sóc Trăng không có trường ĐH nên muốn học ĐH, các em phải đến tỉnh, thành khác khiến chi phí rất lớn.
Một học sinh hỏi nếu em đủ điều kiện vào Trường ĐH Văn Hiến nhưng không đủ tài chính thì trường có chính sách hỗ trợ không? ThS Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cho biết trường có 30 ngành đào tạo ở các lĩnh vực khác nhau. Thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi, tham gia phỏng vấn sẽ có cơ hội nhận học bổng 100% học phí. Thí sinh là thủ khoa đầu vào cũng có thể nhận học bổng 100% học phí. Ngoài ra, trường còn nhiều chính sách học bổng khác.
Nếu không thuộc đối tượng nhận học bổng, thí sinh vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn từ quỹ Trái tim Hùng Hậu mà không phải trả lãi. Khi trúng tuyển vào Trường ĐH Văn Hiến, thí sinh có 6 tuần trải nghiệm nghề nghiệp để hiểu thực tế công việc, từ đó định hình rõ hơn về ngành học, nghề nghiệp trong tương lai…
Hàng trăm câu hỏi của học sinh đã gửi về chương trình. Sau phần tư vấn chung, nhiều em tiếp tục gặp gỡ ban tư vấn và được trả lời thấu đáo những băn khoăn, thắc mắc trước mùa thi.
Chương trình rất ý nghĩa
Phát biểu tại buổi tư vấn tuyển sinh, ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết năm học 2022-2023, tỉnh có 40 trường THPT, 4 đơn vị giáo dục thường xuyên. Những năm qua, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh đều đạt trên 98%. Số học sinh sau khi tốt nghiệp tiếp tục theo học ĐH, CĐ chiếm 40%. Vì vậy, công tác tuyển sinh rất có ý nghĩa.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy đánh giá trong chương trình, những câu hỏi của thí sinh rất đa dạng, thể hiện các em đã có những hiểu biết, kiến thức về kỳ thi và tuyển sinh. Các em chỉ hỏi thêm những chi tiết để làm rõ. Song, điều này cũng cho thấy các em còn thiếu thông tin so với học sinh ở các thành phố lớn. Vì vậy, những câu hỏi của học sinh rất nhiều. Ngay cả khi kết thúc 120 phút truyền hình trực tiếp, học sinh vẫn ở lại rất lâu để hỏi thông tin của các trường.
"Chúng tôi rất mong thầy cô ở Sở GD-ĐT và các trường THPT tại Sóc Trăng tiếp tục truyền thông hơn nữa tới học sinh những thông tin về điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) mà các em được hưởng trong kỳ tuyển sinh sắp tới" - PGS-TS Nguyễn Thu Thủy bày tỏ.
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 tại Sóc Trăng nhận được sự tài trợ, đồng hành của các đơn vị:
- Công ty CP Phân bón Bình Điền
- Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank)
- Tập đoàn Vingroup
- Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sun Group)
- Trường ĐH Văn Hiến
- Công ty CP Uniben
. Các trường đồng hành:
- Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU)
- Trường ĐH Tài chính - Marketing
- Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn
- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
- Trường ĐH Công nghiệp TP HCM
- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Bình luận (0)