Hôm nay, 19-3, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 22 năm 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức sẽ diễn ra tại Trường THPT Đông Hà (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) với sự tham gia của khoảng 1.300 học sinh các trường THPT trên địa bàn. Ban tư vấn gồm các đại diện đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng cùng các trường ĐH, CĐ ở TP HCM. Chương trình được tường thuật trực tuyến tại nld.com.vn.
Biết mình, biết ta để chọn trường
Ngoài kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được hầu hết các trường sử dụng để xét tuyển, thí sinh còn có thể tham gia xét tuyển ĐH, CĐ từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các cơ sở giáo dục tổ chức, xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập bậc THPT…
Số liệu từ Bộ GD-ĐT cho biết ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉ lệ tốt nghiệp chung của thí sinh Quảng Trị là 93,47%, thấp hơn so với tỉ lệ chung của cả nước là 98,57%.
Đại diện ban tư vấn giải đáp thắc mắc cho học sinh Sóc Trăng .Ảnh: QUANG LIÊM
Tỉ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên của Quảng Trị là 29,8%, thấp hơn tỉ lệ chung của cả nước (30%); tỉ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội là 69,2%, cao hơn tỉ lệ chung cả nước (52%). Điểm trung bình các môn lý, hóa của thí sinh Quảng Trị cao hơn mức trung bình chung cả nước. Với các môn khác, điểm trung bình thấp hơn, trong đó tiếng Anh có mức điểm dưới mức trung bình là 4,5; điểm trung bình các tổ hợp A00, A0, B00 lần lượt ở mức 21,4 - 19,8 - 19,2 - đều cao hơn so với mức chung cả nước...
Với kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức, đợt 1 năm nay có 634 thí sinh Quảng Trị đăng ký, tăng gấp đôi so với năm 2022.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nếu lấy kết quả thi năm 2022 làm cơ sở phân tích thì học sinh Quảng Trị có một số lợi thế khi xét tuyển ở các tổ hợp A00, A01, B00. Tuy nhiên, điểm môn tiếng Anh khá thấp khiến những tổ hợp có môn này gặp bất lợi.
Nông nghiệp là mũi nhọn
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp lần lượt là 56%, 31% và 13%.
Cụ thể, phát triển công nghiệp - xây dựng nhằm tạo động lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao…
Quảng Trị tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu, như công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và đồ uống; công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp cơ khí; công nghiệp hóa chất; các ngành công nghiệp khai thác…
Quảng Trị cũng phát triển thương mại và dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh. Trong đó, phát triển du lịch thành ngành kinh tế có thế mạnh đóng góp lớn cho nền kinh tế; phát triển vận tải, kho bãi, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm... Ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn..., Quảng Trị phát triển toàn diện theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững.
Quảng Trị vẫn xác định 3 trụ cột phát triển là công nghiệp, nông nghiệp và du lịch - dịch vụ nhưng trước mắt và khoảng trong 10 năm tới, nông nghiệp - nông thôn - nông dân vẫn là mặt trận chính. Vì vậy nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho ngành kinh tế của tỉnh. Do đó, Quảng Trị tập trung quy hoạch xây dựng nông thôn mới để tạo ra những vùng quê đáng sống, không ngừng nâng cao chất lượng sống cho người dân.
TS Trần Đình Lý lưu ý học sinh Quảng Trị cần cân nhắc kỹ năng lực học tập, mục tiêu nghề nghiệp và hoàn cảnh bản thân để chọn trình độ học, nơi học phù hợp. Học sinh tỉnh này cũng cần nắm chắc nhu cầu của địa phương nói riêng, của vùng nói chung khi chọn nghề, chọn ngành.
Ban tư vấn hùng hậu
Ban Tư vấn chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 tại Quảng Trị gồm: TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT; TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing; TS Nguyễn Sơn Hà, Trưởng Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục Trường ĐH Luật - ĐH Huế; TS Trương Thị Tường Vi, Khoa Chính trị Luật - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; thầy Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Văn Hiến; TS Cao Thị Cẩm Vân, Trưởng ngành Kế toán - Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; TS Nguyễn Đình Khiêm, Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; TS Bùi Văn Viễn, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng); cô Nguyễn Hoàng Tiên, Phó Giám đốc Tuyển sinh Truyền thông - Hệ thống Giáo dục Đại Việt Sài Gòn.
Bình luận (0)