PGS-TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, vừa ký công văn gửi Công an TP Đà Nẵng và Phòng An ninh Chính trị nội bộ đề nghị làm rõ và xử lý việc phát tán thư nặc danh liên quan đến tuyển sinh.
Đề nghị xử lý nghiêm
Trong công văn này, ĐH Đà Nẵng cho biết thời gian qua, nhiều phụ huynh, học sinh các trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng và một số địa phương khác nhận được các tài liệu nặc danh, chưa rõ nguồn gốc với thông tin không đầy đủ, không khách quan và thiếu trung thực liên quan đến công tác đào tạo của các trường ĐH trên địa bàn TP, trong đó có các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Nội dung của các thư nặc danh này có tính chất "nâng trường này, hạ trường khác", tự cho các trường ĐH "điểm cộng, điểm trừ" nhằm gây bất lợi cho một số trường trong công tác tuyển sinh.
Vụ việc này đã gây hoang mang trong phụ huynh và thí sinh về việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển vào ĐH. ĐH Đà Nẵng đề nghị Công an TP Đà Nẵng xử lý việc phát tán đơn thư nặc danh nêu trên để giúp cho thí sinh và phụ huynh có được thông tin rõ ràng.
Các em học sinh Đà Nẵng tham gia một kỳ thi tốt nghiệp THPT Ảnh: BÍCH VÂN
Song song đó, lãnh đạo Trường ĐH Đông Á, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và Trường ĐH FPT đã cùng viết thư ngỏ gửi đến thầy cô giáo, học sinh lớp 12 ở các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên lưu ý phụ huynh và thí sinh cần cảnh giác với các thư nặc danh nói trên. Cũng trong thư ngỏ, 3 trường ĐH này cho biết đang tiến hành các thủ tục đề nghị cơ quan an ninh điều tra và xử lý nghiêm minh việc phát tán thư nặc danh nêu trên.
Ngày 30-8, lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an TP Đà Nẵng cho biết đơn vị đã tiếp nhận được công văn của ĐH Đà Nẵng. Hiện phòng đang nghiên cứu để lên phương án điều tra theo đề nghị.
Thư nặc danh viết gì?
Những bức thư nặc danh được gửi đến học sinh lớp 12 trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vừa qua. Các số liệu trong thư có nội dung so sánh mức học phí, chất lượng giảng viên… của các trường ĐH ở Đà Nẵng; cùng với đó là nêu nhiều nhược điểm như học phí cao, phương pháp dạy học cũ…. Ngược lại, thư nặc danh ca ngợi một trường ĐH ngoài công lập khác, đưa ra so sánh với nhiều ưu điểm hơn hẳn các trường kia.
Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng bị nêu điểm trừ là học phí khá cao, trung bình 18 triệu đồng/năm, có ngành đến 20 triệu đồng và tăng theo từng năm. Học phí và chất lượng đào tạo chưa tương xứng, có nhiều phụ phí bên cạnh học phí. Trường ĐH Đông Á thì bị cho là ra đời non trẻ từ năm 2009, sau khi được nâng cấp từ một trường cao đẳng, đội ngũ giảng viên thường bị xem là non về chuyên môn cũng như kinh nghiệm giảng dạy (?). Thậm chí, trang Facebook "Giáo dục đại học Việt Nam" (chưa rõ chủ tài khoản) còn tung tin giả bậy bạ về trường ĐH Đ. "có sinh viên nhiễm Covid-19 đầu tiên và nhiều nhất Đà Nẵng" (!).
Ngoài việc gửi thư nặc danh, một số trang Fanpage được lập cũng tổ chức thăm dò đánh giá giữa 2 trường ĐH ở Đà Nẵng. Trong đó, nội dung đánh giá nghiêng hẳn về một trường, còn trường còn lại thì toàn là thông tin không tốt. Sau đó, các trang Fanpage này đã phải gỡ bỏ bài viết vì nhận được nhiều comment phản ứng gay gắt, cho rằng đây là chiêu trò lộ liễu.
Phản giáo dục, cần lên án
PGS-TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận: Cạnh tranh trong giáo dục không nên như trong thương mại. Trong khi đó, quảng cáo thương mại cũng có quy định chỉ được nói tốt và nói đúng về sản phẩm của mình chứ không được nói xấu sản phẩm của đối thủ. Việc sử dụng biện pháp cạnh tranh không lành mạnh trên mạng xã hội để "dìm hàng" trường khác hoàn toàn không phù hợp với môi trường giáo dục.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, cho rằng đây là chuyện buồn trong giáo dục tiếp nối các chuyện buồn thi chứng chỉ, học bằng hai, mua điểm... Vì là thư nặc danh nên công an cần điều tra xem từ đâu. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần có văn bản nhắc nhở các trường và xem xét ra quy định về quy tắc ứng xử của các trường, tuyệt đối không làm giáo dục bằng các chiêu trò phi giáo dục.
TS Lê Trường Tùng cho rằng có thể trước mắt, trường bị thư nặc danh nói xấu bị mất một ít thí sinh nhẹ dạ, cả tin nhưng điều này là nhỏ nếu so về sự phát triển lâu dài của trường. Ảnh hưởng lớn là với các thí sinh chọn sai ngành, sai trường dựa trên thông tin sai lạc.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, thẳng thắn: Việc gửi thư nặc danh đến thí sinh để nói xấu trường này, ca ngợi trường kia là trò bẩn cần lên án và tìm cho ra thủ phạm để xử lý. Trong thời đại số, phụ huynh và học sinh tìm hiểu kỹ trên mạng, từ sinh viên đang học..., nên nói sai sự thật chẳng ai tin. Có thể có những trường hợp cả tin nhưng chắc chắn không nhiều. Khi sự thật phơi bày thì trường ĐH nào đầu têu vụ thư nặc danh sẽ là bên bị thiệt nặng nề hơn cả!
Bộ GD-ĐT sẽ thanh - kiểm tra công tác tuyển sinh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 30-8, một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT khẳng định thực hiện quy định của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34), Quy chế tuyển sinh và các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh. Vì thế, các trường cần tuân thủ nghiêm các quy định trong quy chế tuyển sinh.
"Bộ GD-ĐT cũng đã lưu ý các trường, đối với phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả thi THPT, các trường không thông báo kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển... khi người học chưa tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định" - đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết.
Bình luận (0)