Các cơ quan chức năng của Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu phương án đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ, hai ĐH quốc gia và một số trường ĐH cũng được đề nghị cùng độc lập nghiên cứu về phương án tuyển sinh mới. Hiện quá trình nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu, còn phải qua nhiều bước...
Nhiều người quan tâm đến việc tuyển sinh ĐH, CĐ đều có nhận xét chung là văn bản này của bộ đã tỏ rõ việc làm không vội vã, khác hẳn với các phương án trong thời gian qua, chẳng hạn như phương án “hai trong một” đã đề ra vào năm 2009 nhưng so với yêu cầu của Nghị quyết 37/2004/QH11 (ngày 31-12-2004 của Quốc hội khóa XI) và Nghị quyết số 50/2010/QH12 (ngày 19-6-2010 của Quốc hội khóa XII) về cải tiến công tác thi cử và đổi mới quản lý giáo dục thì lại chậm và còn có vẻ âm thầm, chưa công khai định hướng và các bước đi, gây tâm lý chờ đợi thậm chí bỏ ngỏ về việc chuẩn bị đổi mới tuyển sinh ở các trường ĐH, CĐ.
Cũng theo văn bản của bộ thì người ta suy ra rằng: Với phương án tuyển sinh mới này có nghĩa hoặc là bộ đã thừa nhận phương án “tuyển sinh hai trong một”, lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ được cất vào “ngăn kéo”? Hoặc là phương án tuyển sinh ĐH, CĐ mới này được triển khai đồng thời với việc đổi mới chương trình phương pháp dạy và học trong trường phổ thông, nghĩa là ít nhất phải sau năm 2015 theo lộ trình về đổi mới chương trình sách giáo khoa mà bộ đã được công bố.
Vậy thì từ nay đến sau năm 2015, việc tuyển sinh ĐH, CĐ có đổi mới gì không? Hiện nhìn chung bộ và các trường ĐH, CĐ như đang đứng giữa ngã ba đường. Cụ thể như trong khi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tỏ ý đã sẵn sàng thực hiện tự chủ về tuyển sinh, chỉ chờ bộ đồng ý là sẽ triển khai ngay trong mùa tuyển sinh 2011 thì Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại gọi đây là bước cải lùi, vì trước đây các trường đã tổ chức và có nhiều vấn đề phát sinh nên hình thức thi ba chung mới ra đời.
Căn cứ vào hoàn cảnh hiện nay, phải khẳng định rằng chúng ta không thể duy trì phương án ba chung như đã có. Vì hiện đã có nhiều học sinh tốt nghiệp THPT và tới đây là cả tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp do học liên thông lên ĐH, CĐ mà không qua con đường thi ba chung. Vì vậy, để tiến tới mỗi trường đều có quyền tự chủ tuyển sinh phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mới thì cần có thời gian đa dạng hóa việc tuyển sinh. Thực tế mấy năm qua đã có việc đa dạng hóa con đường vào ĐH rồi.
Để đa dạng hóa việc tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường, nhiều ý kiến cho trằng quan trọng là ở chỗ bộ cần ban hành các quy chế tổ chức tuyển sinh và cấp phát văn bằng sao cho bảo đảm nghiêm minh, công bằng.
Bình luận (0)