xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng quá lạm dụng công nghệ dạy học

ĐẶNG TRINH

Bảng tương tác và sách giáo khoa điện tử chỉ nên sử dụng là công cụ hỗ trợ giáo viên và học sinh trong giờ học, không thể thay thế cách dạy truyền thống

Sau khi UBND TP HCM và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến về đề án “Thí điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử lớp 1, 2, 3” vào ngày 18-7, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đội ngũ giáo viên (GV) vẫn là điều quyết định dù công nghệ có tốt thế nào đi chăng nữa.

Trò tương tác với thầy trên… máy

Theo đề án thí điểm này, bảng tương tác sẽ thay thế bảng đen truyền thống, tất cả lớp học được trang bị mạng WiFi, GV sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học, đồng thời có thiết bị để quản lý học sinh (HS) đang thao tác gì trên máy, giảm sự lo lắng trẻ tự tra cứu thông tin và lạm dụng internet.

Máy tính bảng được sử dụng trong một giờ học tại Trường THPT Lương Thế Vinh, TP HCM  Ảnh: TẤN THẠNH
Máy tính bảng được sử dụng trong một giờ học tại Trường THPT Lương Thế Vinh, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Theo diễn giải của Nhà Xuất bản Giáo Dục và đơn vị triển khai phần mềm trong sách, mỗi HS sử dụng một máy tính bảng riêng, thiết bị này sẽ tích hợp toàn bộ bài học trong SGK, mọi thông tin về bài học, bài tập về nhà, tương tác với người thầy đều thực hiện trên máy tính bảng. Tuy nhiên, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho rằng SGK điện tử chỉ nên dừng lại ở công cụ hỗ trợ giờ học và chưa thể thay thế hẳn cách dạy truyền thống. “Nếu có thí điểm, chúng tôi vẫn kết hợp với các hình thức dạy tích cực khác để đạt hiệu quả chứ nếu áp dụng cả năm thì có nhiều vấn đề, nhất là thị lực của học sinh” - ông Khiêm nói.

Một chuyên gia giáo dục cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là phù hợp xu thế phát triển hiện nay khi thiết bị có thể tra cứu nguồn tài nguyên kiến thức vô tận ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, thay thế hoàn toàn cách dạy truyền thống bao lâu nay là không thể.

Theo chuyên gia này, sở dĩ nhiều nước khác không triển khai SGK điện tử là vì chương trình giáo dục của họ áp dụng một chương trình nhiều bộ SGK nên không thể tích hợp nhiều bộ sách vào cùng một thiết bị. “Trên thế giới, họ coi trọng giao tiếp và phát triển kỹ năng toàn diện cho học sinh. Học sinh ngoài giờ học trên lớp còn được tham gia các hoạt động tập thể rất nhiều. Nếu SGK được tích hợp thành SGK điện tử, liệu có tình trạng người với người chỉ còn giao tiếp với nhau trên máy?” - chuyên gia này lo lắng.

Chỉ nên là tài liệu tham khảo

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Viết Đăng Du, GV Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng bất cứ công nghệ nào cũng chỉ phát huy tác dụng khi nằm trong tay GV biết sử dụng. Hơn nữa, phải xem kiến thức cập nhật của SGK điện tử ra sao vì đến năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ thay sách.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7 băn khoăn mức sống ở Việt Nam hiện nay chưa cân bằng, vì thế nhà đầu tư giáo dục cần chú ý đến chuyện này. Nếu chỉ đầu tư ở các đô thị lớn thì vùng sâu, vùng xa sẽ ra sao? Khoảng cách giàu nghèo, sự phân biệt giữa nông thôn và thành thị, vùng nội thành và ngoại thành sẽ ngày càng lớn.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), cho biết tính đến nay, trường có 6 bảng tương tác, trong đó có 3 bảng theo chương trình 50-50 (50% ngân sách TP và 50% xã hội hóa) và 3 bảng trước đó do nhà trường chủ động mua để HS nào cũng có tiết được học với bảng tương tác. Tuy nhiên theo bà Hà, dù hình ảnh trực quan, sinh động, nguồn tài liệu phong phú nhưng bảng tương tác và SGK điện tử dự kiến thí điểm cũng chỉ nên là tài liệu tham khảo với thời lượng vừa phải, không thể thay cách dạy bao lâu nay vì HS ở độ tuổi tiểu học còn nhỏ, luôn cần GV nhắc nhở, uốn nắn.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết dù tất cả trường mầm non trong quận, mỗi trường đã có một bảng tương tác, còn các trường tiểu học, mỗi trường có từ 1-2 bảng nhưng phòng luôn nhắc nhở GV và HS không nên lạm dụng thiết bị.

Không thay thế được người thầy

TS Nguyễn Kim Dung, Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng bất cứ chương trình thí điểm nào cũng phải qua thời gian mới đánh giá được. “Tôi chưa rõ về đề án như thế nào nhưng những thiết bị công nghệ như bảng tương tác khiến trẻ hứng thú với bài học hơn SGK truyền thống thì rất tốt. Nhưng quan trọng vẫn là người thầy; người thầy giữ vai trò hướng dẫn, giúp HS những ứng dụng của bài học. Và dù là sách gì chăng nữa cũng không thay thế được GV. Cần xem việc tích hợp bài học vào thiết bị iPad như thế nào, có hấp dẫn trẻ hay không…” - TS Dung nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo