Sau 3 tháng triển khai, phía Poly cho biết sẽ mang chương trình về Hàn Quốc chỉnh sửa dựa trên tình hình thực tế và góp ý của giáo viên. Trước đó, nhiều phụ huynh có con tham dự đã tỏ ra hoang mang vì giáo trình nặng, nhiều chỗ sai sót, học được 3 tháng bỗng dưng bị ngắt giữa chừng.
Trên thực tế, với lý do theo nhu cầu phụ huynh, một số trường mầm non tại TPHCM đã nhen nhóm việc đưa tiếng Anh vào dạy cho trẻ trong những giờ ngoại khóa với giáo viên thuê mướn và giáo trình tùy chọn. Trước chương trình tiếng Anh, nhiều chương trình dạy toán thông minh dưới danh nghĩa là dạy trẻ biết cách tư duy, tính toán… cũng làm không ít phụ huynh băn khoăn. Sau giờ học tại trường, nhiều phụ huynh phải đưa con đến những “lò luyện” toán bất kể năng khiếu thật sự của trẻ như thế nào.
TS Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nói dù với bất cứ lý do nào đi nữa thì các chương trình nước ngoài du nhập vào Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích kinh doanh hơn là giáo dục. Chưa kể việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy từ bậc mầm non là cách làm áp đặt, chương trình lại quá nặng. Không có cách tư duy nào tốt nhất bằng việc hiểu tiếng Việt thuần thục trước đã. Nếu ép trẻ học ngoại ngữ sớm trong khi tiếng mẹ đẻ còn chưa hiểu hết thì về lâu về dài, trẻ sẽ không suy nghĩ theo truyền thống văn hóa Việt. Nếu áp dụng cẩu thả, không những đứa trẻ sẽ mụ mị đi mà còn thui chột sự sáng tạo về sau. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đồng quan điểm rằng ở bậc mầm non thì vui chơi là hoạt động chủ đạo, thông qua đó để trẻ phát triển và hình thành nhân cách. Ở lứa tuổi này, trẻ tiếp thu rất nhanh nhưng dạy sai thì sẽ phản tác dụng.
Chưa biết thời gian mà phía Poly chỉnh sửa chương trình mất bao lâu và Sở GD-ĐT TPHCM sẽ chấp thuận cho chương trình nào được áp dụng vào giảng dạy đại trà? Nhưng khi các điều kiện quan trọng khác như giáo viên chuẩn, điều kiện học chưa được tính đến thì rất dễ vô tình khiến trẻ em trở thành đối tượng để thí nghiệm.
Bình luận (0)