Sinh viên Trường CĐ Cơ điện Nông nghiệp Nam Bộ trong giờ thực tập Ảnh: Ngọc Trinh
Thừa trường, thiếu người học
Trường ĐH Nam Cần Thơ với quy mô 5.000 m2 được khánh thành đưa vào sử dụng cuối tháng 10 vừa qua đã lập tức đối mặt thực trạng thiếu SV trầm trọng. Năm đầu tiên, hệ ĐH chỉ tuyển được 498 sinh viên/700 chỉ tiêu, hệ TCCN chỉ được 214 SV/1.150 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng do trường mới thành lập, nhiều phụ huynh và học sinh các tỉnh, thành ĐBSCL chưa biết tới. Ngoài ra, do trường chưa có khu ký túc xá, cách xa trung tâm TP Cần Thơ và chưa có tuyến xe buýt nên thí sinh e ngại.
Thế nhưng, được hưởng chính sách ưu tiên tuyển thí sinh thấp hơn điểm sàn 1 điểm và thành lập từ 7 năm trước, Trường ĐH Tây Đô cũng rơi vào cảnh chợ chiều khi chỉ tuyển được 380 SV/1.200 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bạc Liêu, cho biết trường chỉ tuyển được 559 SV/800 chỉ tiêu bậc ĐH và 593 SV/1.000 chỉ tiêu bậc CĐ. Trường ĐH Xây dựng Miền Tây tuyển được 1.018 SV/1.080 chỉ tiêu, trong đó hệ CĐ tuyển được 287 sinh viên. Đặc biệt, ngành kế toán hệ CĐ chỉ tuyển được 15 SV, ngành công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước tuyển được 28 SV…
Một số chuyên gia giáo dục ĐH cho rằng nguyên nhân các trường khu vực này không tuyển sinh được dù hưởng chính sách ưu tiên là vì trong khu vực có quá nhiều trường nên nguồn tuyển bị san sẻ. Riêng tại Cần Thơ có 21 trường ĐH, CĐ, TCCN; các tỉnh lân cận còn nhiều trường khác như Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Đồng Tháp… Riêng tỉnh Vĩnh Long, ngoài Trường ĐH Cửu Long, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, Chính phủ vừa cho phép thành lập thêm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Trường ĐH mọc lên nhiều, trong khi lượng SV ngày càng teo tóp đang là bức tranh đầy nghịch lý tại khu vực này.
Thực tập... ké
Ngoài ra, nguyên nhân khiến các trường ĐH tại khu vực ĐBSCL thiếu sức hút là do các trường mở ngành tràn lan mà chưa gắn kết với nhu cầu nhân lực tại các địa phương. Một trong những ngành học “mọc lên như nấm” tại khu vực này trong thời gian qua là y dược. Không chỉ các trường công lập mà nhiều trường ngoài công lập cũng đua nhau đào tạo ngành y, gồm: Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Tân Tạo (Long An), Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường Trung cấp Đại Việt, Trường Trung cấp Y Dược Mekong (Cần Thơ)… Trong đó, không ít trường chỉ tuyển thí sinh đạt điểm sàn, thậm chí dưới sàn theo chính sách ưu tiên.
Trường CĐ nghề, trung cấp lâm nguy Tại khu vực ĐBSCL, nhiều trường CĐ nghề và trung cấp đứng trước nguy cơ giải thể. Ông Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, lo lắng: “Từ năm 2010 đến nay, công tác tuyển sinh của trường rất vất vả. Nhiều ngành như may, hàn tuyển được rất ít, có lúc không ai đăng ký”. Ông Trần Thanh Thạo, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Mekong, nêu thực tế: “Năm 2011, trường tuyển vượt chỉ tiêu, năm 2012 tuyển đủ nhưng đến năm 2013 thì chỉ đạt được 68,75%”. |
Điều chỉnh quy định ưu tiên Một số trường có thể tuyển sinh riêng trong năm 2014 Ngày 14-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết bộ đang nghiên cứu sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ cho phù hợp với Luật Giáo dục ĐH. Các trường có thể thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả 2 hình thức theo quy chế, số lượng kỳ thi tuyển sinh cũng có thể nhiều hơn hiện nay. Việc sửa đổi sẽ được tiến hành từ nay đến cuối năm, chậm nhất là sẽ ban hành vào đầu năm 2014. Theo ông Ga, quy chế sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ quy định cụ thể những điều kiện để các trường có thể tuyển sinh riêng. Việc tuyển sinh này phải bảo đảm công bằng, không gây phức tạp cho xã hội, không tái diễn những bất cập trong quá khứ như trường tổ chức luyện thi tràn lan, thầy luyện thi tham gia ra đề thi gây mất công bằng cho học sinh nông thôn và thành thị... Trước khi quy chế được ban hành, Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến rộng rãi của xã hội. Một thay đổi lớn nữa là Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại và điều chỉnh quy định ưu tiên khu vực để bảo đảm công bằng hơn cho thí sinh ở các vùng miền khó khăn. Ông Bùi Văn Ga cho biết sau nhiều năm thực hiện chính sách ưu tiên khu vực, một số tỉnh, thành đã phát triển tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người cao hơn và điều kiện xã hội phát triển tốt hơn. Nếu thí sinh ở những vùng này tiếp tục được ưu tiên cộng điểm khu vực thì sẽ bất hợp lý và không công bằng cho những thí sinh ở vùng khác. Liên quan đến việc nhiều trường ngoài công lập đề xuất phương án tuyển sinh riêng, ông Bùi Văn Ga cho rằng việc những trường khó khăn về tuyển sinh (do xa trung tâm hay mới thành lập chưa có uy tín) muốn có một cơ chế tuyển sinh riêng để thu hút thí sinh địa phương cũng là một phương án đáng lưu ý. Tuy nhiên, vì chưa thực hiện nên khó có thể trả lời việc tuyển sinh riêng có cứu vãn các trường hay không. “Bắt đầu từ năm 2014, khi quy chế sửa đổi, bổ sung được ban hành, những trường có phương án tuyển sinh riêng thích hợp sẽ được thực hiện. Những trường không có phương án tuyển sinh riêng thì vẫn áp dụng phương án “ba chung” của bộ cho đến năm 2015. Sau năm 2015, cùng với việc thay đổi căn bản , toàn diện giáo dục và đổi mới cách đánh giá học sinh phổ thông, việc tuyển sinh sẽ có những đổi mới mạnh mẽ. Y.Anh |
Bình luận (0)