Ngày 20-10, Quốc hội (QH) đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận trình bày Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông (gọi tắt là Đề án).
Thông tin đáng chú ý nhất của Đề án là kinh phí thực hiện đã được đại diện Bộ GD-ĐT từng công bố tại cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 34.000 tỉ đồng đã được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “đính chính” rút lại còn 778,8 tỉ đồng. Trong đó, 462 tỉ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức, cá nhân viết SGK; xây dựng, thẩm định SGK (dự kiến có 4 bộ); nghiên cứu SGK điện tử...
Ngoài ra, kinh phí triển khai thực hiện chương trình và SGK mới dự kiến chiếm 316,8 tỉ đồng. Phần kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ như biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc)…
Giải thích về nguồn kinh phí thực hiện, Bộ GD-ĐT cho biết dự kiến xin 504,4 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, 274,4 tỉ đồng từ ngân sách địa phương. “Mức dự toán kinh phí này đã được Bộ Tài chính thẩm định” - ông Luận khẳng định và cho biết dự kiến năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình, SGK mới.
Là cơ quan thẩm tra Đề án, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết Đề án có điểm mới là khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ở trung ương hợp lý và có tính khả thi. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo phải bổ sung phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án.
Về phương án đổi mới chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với mục tiêu Chính phủ đề ra là nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp. Về cơ cấu giáo dục phổ thông, giới giáo dục và khoa học nhất trí giữ nguyên cơ cấu hệ giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm, chia thành 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về cấu trúc số năm tiểu học và số năm THCS song cơ quan thẩm tra ủng hộ phương án giữ nguyên cơ cấu 5 năm tiểu học + 4 năm THCS như hiện nay.
Về biên soạn SGK, cơ quan thẩm tra đồng ý phương án của Bộ GD-ĐT là tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác song vẫn băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa bộ và các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK khác nếu thực hiện theo phương án này.
Bình luận (0)