Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, trẻ đến khám thường có 2 vấn đề chính là rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động, chậm phát triển, học kém và các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm. Một số trẻ còn gặp khó khăn do tâm lý hậu Covid-19.
Ông Thiện cho biết khi trẻ có những biểu hiện bất thường về tâm lý, cha mẹ chính là người nhận biết các vấn đề của con qua lắng nghe, quan sát. Việc cha mẹ dành thời gian tương tác, giao tiếp với con có ý nghĩa quan trọng giúp tạo được sự tin tưởng, an toàn để trẻ có thể chia sẻ những khó khăn của mình.
Can thiệp nếu trẻ có bất thường về tâm lý (ảnh minh họa). Ảnh: NLĐO
Ông Thiện cũng lưu ý trong một số trường hợp như gia đình chuyển nhà, học sinh thay đổi trường, những mất mát, tang chế cũng là lúc trẻ cần có sự đồng hành cùng nhà tâm lý. Bởi lẽ, có những nỗi đau tưởng chừng đã quên nhưng vẫn ảnh hưởng rất lớn đến trẻ và cả gia đình.
Một khía cạnh quan trọng khác là những dấu hiệu rối loạn về phát triển ở trẻ. Các bất thường này thường xuất hiện ở lứa tuổi nhỏ, như chậm nói, chậm các lĩnh vực phát triển tâm thần vận động… Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ và lời nói ở trẻ em, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ sau này.
ThS Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều trẻ bị xáo trộn tâm lý, rối loạn cảm xúc và hành vi, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Trẻ được gửi về quê, cha mẹ làm việc ở lại nhà máy, cha mẹ hoặc trẻ phải đi cách ly… đều gây cho trẻ sự hoang mang, lo lắng ở nhiều mức độ khác nhau như ám ảnh, sợ hãi.
"Nếu không được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn hoặc đôi khi lầm lì, ít nói. Thậm chí, trẻ còn thoái lùi và mất ý thức tạm thời dẫn đến khó kiểm soát cảm xúc và hành vi…" - ThS Nguyệt băn khoăn.
Để nhận biết trẻ có rối loạn về mặt tâm lý, ThS Nguyệt lưu ý đối với trẻ mẫu giáo và học sinh cấp tiểu học, phụ huynh nên quan sát hành vi. Chẳng hạn, bỗng dưng trẻ hiếu động, nói nhiều hoặc lầm lì ít nói, đôi khi mất hẳn ngôn ngữ, tính khí thất thường, ngại tiếp xúc người khác, dễ kích động, la hét... Bên cạnh đó, các hành vi như trẻ quấy khóc, mất ngủ hoặc ngủ không ngon, bám người lớn không rời, biếng ăn hoặc bỏ ăn cũng không nên bỏ qua. Với trẻ từ 12-15 tuổi sẽ có một số biểu hiện như hay than đau đầu, chóng mặt, đau bụng, mỏi tay chân, khó ngủ hay mất ngủ, tim đập nhanh, học hành sa sút, kém tập trung, khó hoàn thành công việc. Trẻ thờ ơ, có vẻ đãng trí, giảm hay mất sự khôi hài trong giao tiếp. Trẻ có hành vi lặp đi lặp lại, dễ cáu gắt, chống đối, mất ngủ, gặp ác mộng hoặc ngủ vùi hay thiếu tự tin, thu mình, sợ sệt, khóc nhiều…
ThS Nguyệt khuyến cáo khi trẻ có những biểu hiện như trên, mọi người xung quanh nên quan tâm, tôn trọng, giúp các em mạnh mẽ, tự tin hơn để vơi đi phần nào sự cô đơn, lo lắng hiện tại. Từ đó, trẻ đủ sức đối diện và vượt qua đau buồn. Đặc biệt, trẻ cần được hỗ trợ trong môi trường học tập và kết nối bạn bè, nâng cao giá trị để có cơ hội thể hiện mong ước của mình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-2
Bình luận (0)