icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải thích về hiện tượng thần giao cách cảm

THẠCH HÃN (KTNN)

Trong xe buýt hay giữa nơi chật chội người đông đúc, thỉnh thoảng người ta cảm thấy có ai đang đó nhìn sau lưng mình. Và đôi lúc điều ấy xảy ra thật. Vậy đó là do tình cờ, do thần giao hay chứng hoang tưởng thần kinh? Chúng ta hãy nghe các nhà khoa học lý giải.

Một cảm giác lành lạnh thoáng qua sau gáy. Da và cơ ở cổ giãn ra. Bất chợt một ý nghĩ thoáng qua trong đầu bạn: ''Người ta đang nhìn mình!'' Và thế là bạn qua đầu lại.

Bạn bắt gặp hai viên bi tròn xoe đang chằm chằm nhìn vào mình và khi bị bắt quả tang, kẻ ấy vội quay đầu nhìn sang hướng khác nhưng không giấu được vẻ gượng gạo.

Do phép mầu nào mà chúng ta biết được có một kẻ xa lạ nào đó đang theo dõi chúng ta?

Ở Mỹ có một nhà hóa sinh học bị câu hỏi này hớp hồn. Người đó  chính là ông Rupert Sheldraske. Từ hơn mười lăm năm qua, nhà khoa học vốn xuất thân từ Trường Đại học Cambridge danh tiếng này đang miệt mài thu thập cứ liệu cho đề tài mà ông đang theo đuổi. Theo Rupert Sheldraske, bạn cảm thấy ''lạnh gáy'' mỗi khi có người nhìn vào lưng mình là điều chẳng có gì đáng ầm ĩ, bởi vì ''tinh thần'' của kẻ ấy đang ''chạm'' vào bạn.

Đối với Rupert Sheldraske, tinh thần không đơn thuần chỉ trú mình trong não bộ, nó có thể vượt ra khỏi cái đầu của chúng ta. Thật vậy, tất cả mọi người đều liên hệ với nhau qua những “trường cảm ứng'' vô hình mà tinh thần có thể rong chơi trong đó. Nhờ những ''xa lộ tư tưởng'' này mà con người có khả năng ngoại cảm, thần giao cách cảm (khả năng giao tiếp từ xa bằng tinh thần). Khi cái nhìn của ai đó nhìn vào lưng chúng ta, tinh thần chúng ta có khả năng mượn trường cảm ứng nên có thể cảm nhận được mình đang bị nhìn.

Những  xa lộ tư tưởng

Đó là  đôi nét về lý thuyết của Rupert Sheldraske. Về chi tiết, lý thuyết ngoại cảm của ông phức tạp hơn nhiều. Thật ra, có một số thông tin di chuyển trên xa lộ tư tưởng dễ dàng hơn những thông tin khác.

Điều này còn tùy thuộc vào những người trao đổi thông tin, nhưng đôi khi cũng phụ thuộc vào loại thông tin được truyền đi. Theo ông Sheldlraske, một thông điệp lưu thông dễ dàng khi nó tham gia vào trí nhớ của trường cảm ứng.Vì trường cảm ứng của Rupert Sheldraske có sự tham gia của trí nhớ? Chúng ghi lại tất cả mọi kinh nghiệm sống của con người từ thuở hồng hoang và giúp con người sống còn. Chẳng hạn như phải phản ứng như thế nào trước một nguy hiểm. Một khi được lưu trữ vào trường cảm ứng, ký ức này tất nhiên sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau.

Bằng cách nào? Vẫn là điều bí ẩn! Nhưng trực cảm có thể giúp chúng ta hành động đúng đắn khi đối mặt  với một vấn nạn mới, chỉ cần tổ tiên chúng ta đã từng trải qua kinh nghiệm tương tự. Khả năng cảm nhận được cái nhìn vào lưng bắt nguồn từ cái thời con người còn ''ăn lông ở lỗ'', khi tổ tiên chúng ta còn là miếng mồi ngon của các loài thú dữ. Nhờ khả năng phát hiện phía sau có một gã săn mồi đang quan sát mà con người thuở xa xưa mới có thể sống còn.

Lý thuyết này làm cho các nhà khoa học cũng phải điên đầu. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, ngành tâm lý học thực nghiệm đã chú ý đến vấn đề này. Có hàng tá nhà nghiên cứu đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng: Một người X ở sau lưng một người Y sao cho Y không thể nhìn thấy X; rồi X nhìn Y từng quãng một. Kết quả hoàn toàn không như được mong đợi: cơ may cảm nhận được người ta nhìn vào lưng mình chẳng khác nào tìm trứng chạch trên ngọn cây. Nói khác đi, theo hiểu biết của con người cho đến ngày nay, nhìn chằm chằm vào lưng người khác chẳng có chút tác động nào lên  người ta cả.

Một cái nhìn tình cờ

Vậy tại sao chúng ta vẫn cảm nhận được mình bị nhìn (và thực tế đúng như vậy) trong khi chẳng có nghiên cứu thực nghiệm nào chứng minh có điều ấy? Theo ý kiến của các nhà tâm lý học, rất có thể chúng ta xác quyết rằng có ai đó đang nhìn mình, nhưng thực tế chính chúng ta đang tìm kiếm cái nhìn của kẻ xa lạ.

- Bạn hãy tưởng tượng một buổi sáng nào đó phải bước lên xe buýt với một vết tím bầm trên mặt. Hẳn  bạn sẽ tự nhủ: ''Chắc chắn mọi người đang nhìn vào vết bầm trên mặt mình''. Nếu một lúc sau, bạn tình cờ hắt gặp ánh mắt của một kẻ nào đó tất nhiên bạn sẽ nối hai sự kiện vốn hoàn toàn độc lập này lại với nhau. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì hai sự kiện  ấy trùng hợp nhau, vả lại  bạn đang chắc mẫm rằng mình là trung tâm chú ý của mọi người trên xe buýt.

Bây giờ bạn hãy tưởng tượng mình không có vết bầm đáng sợ kia. Khi bước lên xe buýt, chắc chắn bạn nghĩ rằng chẳng mấy ai để ý đến mình. Và nếu bạn vô tình nhận ra cặp mắt nào đó hướng về mình, chuyện này vẫn có thể xảy ra cho dù bạn chẳng có gì đáng chú ý. Tóm lại, khi trong đầu bạn có ý nghĩ muốn tìm kiếm một cái nhìn thì chính bạn sẽ “suy bụng ta ra bụng người”.

Cảm thức hay cảm giác?

Hơn nữa, để khẳng định mình có lý, bộ não có thể cầu cứu nguồn tin tức đã thu nhận được, những phỏng đoán và cả “cảm thức văn hóa?” của chúng ta. Với chuyện xảy ra trong xe buýt như đã nói ở trên, rất có thể bạn tin vào “niềm tin bình dân” đã gieo vào lòng bạn từ lúc nào không hay rằng người ta có thể cảm được khi có kẻ theo dõi sau lưng. Và điều này đương thiên được áp dụng để giải thích màn kịch trên. Thế nhưng, nó lại hoàn toàn bỏ qua khả năng có thể chính chúng ta đang tìm kiếm cái nhìn của một kẻ khác.

Vẫn còn một bí ẩn. Làm sao giải thích hiện tượng chúng ta cảm thấy nhột gáy? Những nghiên cứu thực nghiệm mới đây trên những người khiếm thị đem lại nhiều yếu tố cho câu trả lời. Khi một người mù tiến gần đến một vật cản hình khối, chẳng hạn một bức tường hay một thân cây, người ấy thường nhận được một tín hiệu báo động. Đôi khi điều này được cảm nhận bằng một cảm giác đụng chạm, như thế có một sợi tơ nhện chạm qua da vậy.

Để biết cảm giác nhột gáy kỳ lạ này phát xuất từ đâu, các nhà nghiên cứu đã gây tê da đến mức không còn cảm giác nào cả. Thế nhưng sự việc vẫn diễn ra như bình thường! Những người khiếm thị vẫn có cảm giác như có cái gì đó lướt qua mặt khi đến gần chướng ngại vật. Ngược lại, nếu bịt kín tai, ''tơ nhện'' hoàn toàn biến mất. Như vậy, nhờ thính giác mà người khiếm thị có thể nhận biết trước mặt họ có một vật cản, nhưng tín hiệu báo động lại được gợi lên bằng cảm giác da.

Thính giác biến thành xúc giác

Làm sao người mù có thể ''thấy'' bằng đôi tai mà không cần quay đầu lại? Bởi vì họ khiếm thị nên thính giác rất phát triển. Chỉ cần gõ gõ cây gậy xuống đường, người mù có thể xác định được chướng ngại vật nhờ nghe tiếng vọng của chúng. Nhưng điều lạ lùng nhất là ngay cả khi không có một âm thanh nào, người mù vẫn biết có chướng ngại vật!

Đó là một cảm giác mà Kevin O’ Regan, giám đốc phòng thí nghiệm tâm lý học thực nghiệm của ĐH René Descartes ở Paris, phân tích như sau: ''Trong trường hợp này, người mù không hề nghĩ rằng chính đôi tai của họ đang hoạt động, hoàn toàn đơn giản bởi vì họ không nghe gì cả. Tuy nhiên, não bộ của họ có thể đã thu được rất tốt một tiếng vọng nhỏ mà họ không hề chú ý, chẳng hạn như lai quần chạm nhẹ vào vật cản. Thực tế họ vẫn cảm nhận được tiếng  vọng của sự va chạm này - thường rất yếu - bằng vô thức. Có báo động, não bộ báo ngay cho người khiếm thị bằng tín hiệu đụng chạm, đó chính là cái lưới nhện kỳ lạ.

Cảm giác nhột gáy chỉ là sự biến thể của tín hiệu âm thanh. Vì vậy không chỉ có cái nhìn của người khác bạn mới cảm nhận được mà còn có cả mùi hay hơi thở rất nhẹ của người ta nữa. Khi vừa thu nhận được tín hiệu này, lập tức não bộ sẽ báo cho bạn biết ngay và bạn thường quay đầu mỗi khi cảm thấy nhột gáy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo