Nội dung quan trọng được đặc biệt quan tâm trong Đề án đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) vừa được Bộ GD-ĐT hoàn thiện là thiết kế chương trình giáo dục phổ thông sẽ được tích hợp và phân hóa dần ở các lớp học trên, giảm số môn học bắt buộc.
Bỏ kiến thức hàn lâm, học những gì thiết thực
Học sinh tiểu học chỉ phải học 3-6 môn trong chương trình mới thay vì 11 môn học như chương trình hiện hành
Ở bậc THCS, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục công dân; lồng ghép các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Xây dựng 2 môn học mới là khoa học tự nhiên (dựa trên cơ sở các môn vật lý, hóa học, sinh học hiện hành) và khoa học xã hội (trên cơ sở các môn lịch sử, địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội). Hai môn học mới được xây dựng cơ bản bảo đảm tính logic. Nội dung các môn được sắp xếp sao cho có sự hỗ trợ lẫn nhau, tránh trùng lặp.
Ở bậc THPT, sẽ tiếp tục tích hợp một số nội dung chưa hoàn thành môn học nhưng cần thiết cho học sinh vào các môn như đã làm trong chương trình hiện hành.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, ở bậc tiểu học và THCS, ngoài những môn bắt buộc, học sinh sẽ được chọn thêm các chủ đề, hoạt động giáo dục khác phù hợp năng lực, sở thích của mình. Sau THCS, học sinh sẽ phân luồng vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc trường THPT.
Ở bậc THPT sẽ phân hóa theo hướng tự chọn. Dự kiến lớp 10, học sinh học 7-10 môn bắt buộc, còn lại là các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn. Lớp 11 và 12 sẽ phân hóa mạnh và hướng nghiệp cho học sinh. Học sinh sẽ học ít môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, 3 môn/chủ đề tự chọn (như vật lý, hóa, sinh, địa lý, lịch sử, công nghệ, khoa học về máy tính, kinh doanh, ngoại ngữ 2, nghệ thuật…).
Ông Hiển cho rằng chương trình hiện nay nghiêng nhiều về kiến thức hàn lâm. Trong khi đó, chương trình sau năm 2015 chủ trương chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh biết giải quyết các vấn đề và tình huống trong cuộc sống hằng ngày.
Tránh con đường lạc điệu
Góp ý cho Đề án đổi mới cơ bản toàn diện GD-ĐT (đã đưa ra xem xét nhưng không được thông qua tại hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi tháng 10-2012), GS Hoàng Tụy nhận xét giáo dục Việt Nam không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn, còn đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại. Giáo dục của ta đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh.
“Trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa, nước nào không hội nhập, không thích nghi được tất sẽ bị cô lập, bỏ rơi, chết lâm sàng rồi từ từ bị đào thải nếu không sớm tỉnh ngộ” - GS Hoàng Tụy khẳng định.
Tuy nhiên, với bản đề án lần này, nhiều chuyên gia giáo dục đã thống nhất phần nào rằng hướng đi mà Bộ GD-ĐT đưa ra (dạy học tích hợp và phân hóa) là hợp lý. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, nhận định đây là xu hướng quốc tế mà Việt Nam nên lựa chọn.
“Việc phân hóa theo hướng tự chọn gắn với đặc điểm, môi trường kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương cùng danh mục môn học phong phú sẽ tránh được những thất bại như đã xảy ra trong việc phân hóa theo hướng phân ban” - TS Lâm nhận xét.
Trong khi đó, theo một thống kê của UNESCO từ những năm 1960-1974, đã có tới 208/392 chương trình môn khoa học trong chương trình giáo dục phổ thông của các nước thể hiện quan điểm tích hợp ở các mức độ khác nhau. Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về chương trình giáo dục phổ thông 20 nước cũng cho thấy 100% các nước đều xây dựng chương trình theo hướng tích hợp.
Thí điểm đồng thời 3 cấp từ năm 2016
Tuy nhận được sự đồng tình nhưng Đề án đổi mới cơ bản, toàn diện GD-ĐT của Bộ GD-ĐT cũng đã gây nên những lo lắng. “Từ nói đến làm là một khoảng cách xa. Chương trình - sách giáo khoa có tốt đến mấy nhưng không chuẩn bị về đội ngũ giáo viên thì cũng không thay đổi được chất lượng giáo dục” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Giải đáp những lo lắng này, Bộ GD-ĐT khẳng định việc xây dựng đội ngũ nhà giáo chính là giải pháp then chốt bảo đảm sự thành công của đổi mới giáo dục. Bên cạnh việc sắp xếp lại các cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có trình độ ĐH… để bắt kịp và đáp ứng được những thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông.
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, cho rằng việc dạy học tích hợp không gây ra những xáo trộn về cơ cấu giáo viên. Vì thế, không nhất thiết phải đào tạo lại mà chỉ cần bồi dưỡng một số chuyên đề dạy học tích hợp. Việc này cũng không đòi hỏi phải tăng cường quá nhiều về cơ sở vật chất, thiết bị.
Riêng về dạy học phân hóa, vốn là thay đổi căn bản ở THPT, theo ông Nhị, cần tổ chức thí điểm dạy học tự chọn. Do chưa kịp chuẩn bị nội dung môn học tự chọn mới nên thời gian đầu, các môn tự chọn sẽ là những môn học cũ, có thêm một số môn như kinh doanh, nghệ thuật… Sau vài năm, lại tăng thêm một số môn tự chọn.
Liên quan đến việc đổi mới việc biên soạn và cách thức thí điểm vốn rất được xã hội quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay một trong những hạn chế của các lần thay đổi vừa qua là cách làm theo kiểu cuốn chiếu nên thời gian thí điểm chương trình - sách giao khoa quá dài.
Dùng kết quả tốt nghiệp để xét tuyển ĐH
Việc đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ được thực hiện theo hướng: Đề thi không chỉ tập trung vào việc học sinh biết “cái gì” mà là đánh giá các em làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực người học. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành kiểm tra năng lực sáng tạo của học sinh.
Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT), kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp) và kết quả thi kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh).
“Các trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ. |
Phân luồng quá mờ nhạt GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tỏ ra ngạc nhiên khi việc phân luồng sau lớp 9 đã được đặt ra từ một hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1996 nhưng giờ đề án lại không nói nhiều, chỉ nhắc đến một cách rất mờ nhạt. “Cần phải phân luồng mạnh mẽ. Hết lớp 9, học sinh vào học tiếp THPT nhưng một số phải phân luồng để học trung học nghề, sau đó có thể liên thông lên các trường cao đẳng nghề. Ở Pháp, phân luồng sau lớp 7 là rất rõ rệt, nước Đức sau lớp 5 cũng đã phân luồng. Những người làm đề án không thấm nhuần tư tưởng đào tạo con người đáp ứng thị trường nhân lực. Các nước tiên tiến người ta đã đi trước mình 20-30 năm và nguồn nhân lực của người ta rất hợp lý” - ông nhấn mạnh. Về hệ thống giáo dục phổ thông, GS Hạc tán thành giữ 12 năm. “Theo kinh nghiệm một số nước tiên tiến, chương trình phổ thông bắt buộc là 10 năm, 2 năm cuối học tự chọn theo định hướng vào ĐH. Các trường đưa ra khoảng 20 môn, học sinh chọn môn nào giống nhau thì tổ chức thành từng lớp tự chọn chứ không phải chỉ 3 môn như đề án của mình đưa ra. Tôi nghĩ điều này cần phải bàn kỹ, phải đa dạng hơn nhiều” - ông nói. GS Hạc cho biết Bộ GD-ĐT đã tính chỉ cần đủ trường lớp một cách bình thường ở Việt Nam theo chương trình kiên cố hóa thì cần khoảng 48.000 tỉ đồng. “Chỉ riêng cho trường lớp đã cần đến số tiền rất lớn nhưng vấn đề là trung ương có quyết làm không. Nếu trung ương, Quốc hội, Chính phủ quyết ra tay thì tôi tin sẽ đổi mới được căn bản toàn diện, nếu không thì sẽ không có nhiều thay đổi” - ông băn khoăn.
Yến Anh |
Bình luận (0)