Đáp lại, ông Phùng Xuân Nhạ, nói: Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đây là xu hướng phát triển của thế giới. Hiện nay có 4 yếu tố để hội nhập, tiếp thu nhanh những xu hướng cách mạng 4.0 gồm Bộ GD-ĐT, trường đại học, thị trường, sinh viên, cả 4 yếu tố này phải có trách nhiệm trọn vẹn với nhau. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là chỉ đạo, tìm hiểu, tham mưu trong phạm vi quyền hạn để xây dựng đề án khởi nghiệp cho sinh viên theo hướng cách mạng 4.0 đặt ra.
Ngoài ra, bộ cũng khuyến khích các trường, ngành đi theo hướng công nghệ, đặc biệt là những trường ngành đầu tư khoa học, kinh tế, kế toán, điện tử viễn thông, chế tạo máy. Bộ sẽ có định hướng vĩ mô, không can thiệp vào việc xây dựng tuyển sinh, chỉ tiêu của các trường, mà định hướng thông tin, có trách nhiệm gián tiếp để sinh viên tiếp cận với thể mạnh, cơ hội 4.0. “Các trường phải quy hoạch lại ngành nghề, xây dựng chương trình chuẩn, nghiên cứu rõ xu hướng phát triển nhiều ngành nghề mới, quy hoạch lại các ngành nghề trên nền tảng công nghệ thông tin. Có một số ngành mới sẽ ra đời và một số ngành sẽ chết đi. Các trường đừng quá nhấn mạnh, bội chứng 4.0. Làm gì có trường đại học nào 4.0. Chúng ta bám sát xu hướng phát triển của thế giới, các thầy cô phải xem cuộc cách mạng này như một cơ hội, nắm bắt không quá gấp gáp mà phải chắc chắn và trên thế giới cũng đã tiếp cận với xu hướng này”- ông Nhạ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhạ, điều trăn trở nhất của bộ hiện nay là sinh viên sư phạm ra trường phải xuất sắc mới đảm đương được nhiệm vụ đứng lớp, nhưng nhiều sinh viên hiện nay có tư tưởng không vào được trường hot mới vào trường sư phạm truyền thống. Đặc biệt, nhiều sinh viên học sư phạm để được miễn học phí nhưng ra trường lại đi làm ngành khác. “Các trường đại học đang phải chịu ảnh hưởng thất bại từ phân luồng giáo dục phổ thông thất bại do chương trình và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục phổ thông vẫn được đảm bảo, thể hiện qua kết quả Pisa, dù kết quả này có nhiều tranh cãi”- ông Nhạ, nói.
Lưu ý với lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ông Nhạ cho rằng đối với nhóm công nghệ trường cần dựa vào nhu cầu thị trường, đặc biệt là cách mạng 4.0, bám sát doanh nghiệp để phát huy. Với nhóm sư phạm kỹ thuật cần lưu ý để không chệch sang hướng bách khoa. Ngoài ra, cần nâng cao tay nghề thực hành của giảng viên. “Giáo viên dạy nghề phải có năng lực thực hành hơn là bằng cấp. Một thạc sĩ có thực hành tốt đào tạo ra những sinh viên nghề vững chắc sẽ tốt hơn một tiến sĩ mà không có thực hành. Một trường đại học không chỉ có màu hồng và sẽ có những khoảng tối. Trong quá trình phát triển sẽ có những vi phạm, nhưng cần chấp nhận thách thức. Trong quá trình đổi mới không phải ai cũng hài lòng và đó là thách thức người đứng đầu”- ông Nhạ chia sẻ.
Bình luận (0)