Trước áp lực đổi mới từ chương trình, xã hội và phụ huynh, không cần hô hào, khẩu hiệu, nhiều thầy cô vẫn ngày đêm miệt mài tâm huyết trên từng trang giáo án. Họ nỗ lực, sáng tạo trong mỗi bài giảng để mỗi ngày đến trường của học trò đều là niềm yêu thích.
Coi học trò như con em
Carl Jung, nhà tâm lý học vĩ đại người Thụy Sĩ, từng nói: Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình. Đó cũng là tâm tư của nhiều nhà giáo hiện nay bởi với họ, nghề giáo cũng như bao nghề khác, có khó khăn, có ưu phiền. Vì vậy, nếu không dạy học bằng trái tim thì người thầy chỉ mới làm tròn vai người dạy.
Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM), luôn chú trọng sáng tạo những tiết dạy hấp dẫn cho học trò
Cô Tống Thị Hải Yến, giáo viên (GV) Trường Mầm non Hoàng Anh (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết ở các lớp mầm non 3-4 tuổi mà những GV như cô phụ trách, trẻ thường làm theo sở thích riêng. Số lượng học sinh (HS) trong lớp đông cộng thêm những áp lực từ gia đình, nhà trường, xã hội đặt lên vai các cô. Vì thế, GV luôn phải biết nhẫn nại, dùng tất cả tình yêu thương của mình để chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo cô Yến, nếu không xuất phát từ tình thương trẻ, sự chịu khó và lòng yêu nghề thì công việc sẽ rất vất vả, áp lực.
Thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP HCM), được biết đến nhiều hơn khi mới đây thực hiện bức thư ngỏ xin đổi hoa, bánh kem dịp 20-11 thành thẻ bảo hiểm y tế cho HS khó khăn. Thầy cho biết hiện nay, thầy cô và những người làm công tác quản lý rất áp lực. Áp lực nội tại từ trong ngành - đòi hỏi thầy cô đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp và áp lực bên ngoài từ chính HS, phụ huynh. Chưa nói đến "cơm áo gạo tiền", với những áp lực như vậy, nếu thầy cô và người quản lý không vì HS, giáo dục không xuất phát từ trái tim thì sẽ khó lòng vượt qua được.
Dù vậy, theo thầy Cường, nếu cứ nói giáo dục bằng trái tim thì ai cũng nói được, điều quan trọng là làm sao để hiện thực hóa cái tâm của người thầy. Đó là đầu tư vào bài giảng, là luôn xem học trò như con em mình. Chỉ có nghĩ vậy mới chăm sóc, giáo dục, gần gũi học sinh một cách chân thành nhất.
"Tôi luôn nghĩ nhà trường và thầy cô có trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an toàn, giúp các em tin tưởng. Muốn vậy, trước hết người thầy phải cùng làm bạn với học sinh; hỏi thăm, giải quyết những vấn đề trong khả năng của mình nhằm tạo ra ngôi trường hạnh phúc, an toàn để các em mỗi ngày đều yêu thích đến trường" - thầy Cường nhìn nhận.
Xứng đáng với sự tin yêu của học trò
Để có những bài giảng chất lượng, sáng tạo, đi vào lòng học trò, nhiều thầy cô không quản ngại khó khăn trong cuộc sống riêng tư nhằm trọn vẹn, toàn tâm toàn ý với HS. Thầy Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân - Âm nhạc, Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Tân Phú, TP HCM), là một GV như thế.
Sau khi tốt nghiệp, thầy Hưng được phân công về một ngôi trường cách nhà 25 km. Điều kiện đi lại khó khăn vẫn không làm vơi đi nhiệt huyết của thầy giáo trẻ, trái lại còn trở thành động lực giúp thầy tự nhắc nhở mình không ngừng cố gắng.
Đa phần học sinh lớp thầy Hưng chủ nhiệm có cha mẹ là lao động phổ thông hoặc dân nhập cư từ nơi khác đến, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có nhiều thời gian quan tâm việc học hành của con em, nhất là sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, GV phải dành nhiều thời gian chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như quan tâm việc học mỗi ngày của các em.
Để giúp HS yêu thích môn địa lý, trong tất cả giờ học, thầy Hưng đều tổ chức các hoạt động vui nhộn như chơi đoán ô chữ; đọc tên tỉnh, thành phố qua gợi ý về hình ảnh; thi đua thiết kế báo tường, vẽ sơ đồ tư duy... Từ đó, HS được tăng cường sự chủ động, sáng tạo, khơi gợi tinh thần tự học. Ngoài ra, hằng năm, thầy Hưng còn duy trì phong trào "nuôi heo đất" để tất cả thành viên trong lớp chung tay giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Theo thầy Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM), trong cuộc sống hiện đại, người thầy phải làm nhiều hơn để truyền cảm hứng học tập cho HS, giúp các em chủ động khám phá tri thức, rèn luyện kỹ năng và bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp. Nghĩa là, người thầy phải làm nhiều công việc soạn giảng hơn, tạo ra nhiều hoạt động giáo dục hơn thì mới đáp ứng được những mục tiêu đề ra của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Thanh trầm tư: "Xã hội cũng đã dành nhiều sự quan tâm đến đời sống của người thầy. Dù có nhiều chính sách cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho thầy cô nhưng vẫn còn đó nhiều gánh nặng trên vai người thầy khi vật giá leo thang. Những áp lực như thế vẫn cứ song hành trong hành trình dạy học".
Tuy nhiên, thầy Thanh cho rằng áp lực, thách thức dù lúc nào cũng có nhưng sứ mệnh của người thầy là gắn liền với những ánh mắt trong trẻo, hồn nhiên của HS; với tiếng nói cười ríu rít của các em. Thế giới học trò vốn đầy năng lượng tuổi trẻ với những hoài bão lớn lao. Trong mắt học trò, người thầy là cả một kho tàng tri thức mà các em gửi gắm sự tin tưởng. Thế nên, nhiệm vụ của thầy cô là làm sao để các em cảm nhận được sự yêu thương - thể hiện qua chất liệu ở từng bài giảng, ở sự bao dung của người thầy.
Chất lượng giáo dục còn thể hiện ở niềm vui của học trò
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng dẫu đôi khi vẫn còn một vài câu chuyện, mẩu tin làm nhói lòng những nhà giáo chân chính nhưng không thể làm nhòe đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy. Bởi lẽ, giá trị ấy đã được hình thành từ truyền thống tôn sư trọng đạo cao đẹp bao đời nay; từ những thầy cô lặng lẽ vượt qua khó khăn, miệt mài lao động, học tập, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp đào tạo của nhà trường, của ngành giáo dục và của đất nước.
"Chất lượng giáo dục không chỉ thể hiện qua kết quả các kỳ thi hay hiệu suất đào tạo hằng năm mà còn thể hiện qua niềm vui, sự yêu thích đến trường của trẻ từ bậc mầm non, tiểu học đến THCS, THPT" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Bình luận (0)