Sáng 20-9, đã diễn ra Hội thảo "Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM chủ trì, thu hút gần 100 đại biểu đến tham dự.
Tại hội thảo, các chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở giáo dục ở TP HCM đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan về việc Nghị quyết 29 tác động như thế nào đối với lĩnh vực đào tạo giáo dục ở TP HCM.
Hội thảo thu hút gần 100 chuyên gia, nhà giáo ở TP HCM
GS - TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết hành trình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhà trường đã đạt được những chuyển biến về chất lượng trong công tác đào tạo.
Bên cạnh việc thành lập Trung tâm STEM, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển học liệu giáo dục, đội ngũ giảng viên chủ chốt của trường được tạo điều kiện tham gia sâu vào quá trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
"Trước đây, việc viết sách giáo khoa được xem như nhiệm vụ, không được chấm thêm thù lao. Những năm gần đây, trường tạo điều kiện hỗ trợ thêm thù lao cho các giảng viên viết sách, nghiên cứu khoa học. Nguồn kinh phí tuy không nhiều nhưng góp phần động viên tinh thần cho cán bộ nghiên cứu" - GS - TS Huỳnh Văn Sơn cho hay.
GS - TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, trình bày tham luận tại hội thảo
Các đại biểu nhìn nhận nguồn lực để đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu, nhằm hỗ trợ các hoạt động đổi mới giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn
Đại diện các trường giáo dục nghề nghiệp (GDNN), TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa TP HCM, cho biết GDNN trên địa bàn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết như: chưa có đủ quỹ đất sạch cho phát triển cơ sở, trang thiết bị đào tạo đa phần chỉ dừng ở mức đầu tư tối thiểu theo quy định; việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế chưa đồng bộ; thâm dụng tỉ trọng lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu…
Theo thống kê, trên 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ở nhiều nghề và nhiều cơ sở GDNN, lao động qua đào tạo nghề nghiệp đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực và đã đảm nhận được nhiều vị trí, công việc phức tạp.
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa TP HCM, chia sẻ những khó khăn trong GDNN
Trong phần thảo luận, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, khẳng định Nghị quyết 29 mang lại nhiều tác động tích cực đối với công tác giáo dục - đào tạo.
Dẫn chứng về trường hợp doanh nghiệp Cỏ May xây dựng ký túc xá miễn phí đầu tiên ở Việt Nam, mỗi năm hỗ trợ hơn 1.000 sinh viên đến từ 22 trường ĐH công lập của TP HCM, TS Trần Đình Lý mong muốn Nghị quyết 29 có thêm chính sách khen thưởng đối với các doanh nghiệp có những đóng góp thiết thực vào công cuộc giáo dục.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, chia sẻ những khó khăn còn tồn đọng
Ngoài tự chủ về tài chính, nhân sự bổ nhiệm…, các trường ĐH công lập tự chủ bày tỏ mong muốn có thể tự chủ về học thuật, tự lên chương trình đào tạo phù hợp với năng lực hiện có của trường.
Bình luận (0)