Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Trong chiến lược tài chính toàn diện, Giáo dục tài chính là một mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Trên thế giới, việc giáo dục tài chính cá nhân được nhiều nước thực hiện cho người dân từ khi nhỏ tuổi (như ở Israel, Nhật Bản, Hà Lan, và các nước phát triển khác).
Ở Việt Nam, điều này còn khá mới mẻ và người dân vẫn chưa quen với các khái niệm cơ bản về tài chính và quản lý tài chính: Thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm. Việc đào tạo kiến thức về tài chính ngay từ trên ghế nhà trường là bước đi cấp bách và mang tính chiến lược.
Giáo dục tài chính dành cho học sinh THPT được tổ chức sáng 23-1 tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ với Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức (SBFIC) để hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện của Việt Nam. Thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và SBFIC, sáng 23-1, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM đã tổ chức Chương trình Giáo dục tài chính cá nhân dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn TP HCM.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng tài chính cá nhân không đơn giản là kiếm thật nhiều tiền hay để dành được thật nhiều tiền mà là tổng hòa của tất cả các vấn đề như: thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, quản lý rủi ro; là sự kết hợp giữa hành vi, thói quen cá nhân với những hiểu biết về các sản phẩm dịch vụ tài chính, các quyết định tài chính.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, cho biết chương trình Giáo dục tài chính dành cho học sinh THPT không chỉ đào tạo thuần túy lý thuyết mà được thực hiện thông qua hình thức trò chơi. Học sinh sẽ được chia thành các nhóm, mỗi nhóm đóng vai thành một gia đình. Các thành viên sẽ cùng thảo luận và đưa ra các quyết định về việc làm, thu nhập, mua sắm, chi tiêu, tiết kiệm, vay mượn, đầu tư, sử dụng các sản phẩm tài chính và ứng phó với các tình huống bất ngờ…. để đạt được mục tiêu cuối cùng là số điểm chất lượng cuộc sống tối đa khi kết thúc trò chơi. Thông qua trò chơi, các em học sinh sẽ được truyền tải kiến thức một cách dí dỏm, nhẹ nhàng, tổng quát về tài chính, chi tiêu, đầu tư, giúp các em hiểu được ý nghĩa của ngân sách một hộ gia đình và các quyết định về thu chi. Đồng thời, các em sẽ có những bài học theo cảm nhận của riêng mình về tài chính cá nhân và có thể thấu hiểu hơn các khó khăn của cha mẹ trong các vấn đề tài chính của gia đình. Để đảm bảo chất lượng mỗi lớp được tổ chức tối đa trong khoảng 30 -35 học sinh.
Ở đợt đầu tiên này, học sinh các trường THPT Nguyễn Hữu Huân, THPT Thủ Đức, THPT Bình Hưng Hòa, THPT Gia Định tham gia chương trình. Sau đó, chương trình sẽ tiếp tục được triển khai mở rộng cho học sinh các trường THPT tại TP HCM và các tỉnh lân cận.
Bình luận (0)