Nhiều ứng viên GS, PGS 2017 không được công nhận sau khi thanh tra giáo dục vào cuộc
Bê bối trong xét công nhận GS, PGS
Ngày 2-2-2018, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017. Số người đạt tiêu chuẩn gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015 khiến dư luận lo ngại chất lượng của ứng viên trên "chuyến tàu vét" trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành tiêu chuẩn mới.
HĐCDGSNN sau đó đã rà soát lại và công bố quyết định công nhận 1.131 người đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. 95 ứng viên "không đạt chuẩn" gồm nhiều quan chức chờ xác minh do chưa đủ tiêu chuẩn, có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Sau khi thanh tra giáo dục vào cuộc, xem xét từng trường hợp bị gác lại. HĐCDGSNN công bố quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho 53 người. Trong hơn 40 người không được công nhận GS, PGS năm 2017, có bộ trưởng Bộ Y tế cũng như nhiều quan chức các bộ, ngành.
Nhức nhối bạo lực học đường
Năm 2018 chứng kiến bạo lực học đường xuất hiện ở rất nhiều trường học trên cả nước, trong đó có cả bạo lực giữa giáo viên - học sinh, giữa phụ huynh - giáo viên, giữa học sinh - học sinh.
Tháng 2-2018, một cô giáo tiểu học bắt học sinh quỳ gối ở Long An đã bị phụ huynh yêu cầu quỳ gối xin lỗi. Đến tháng 3, một phụ huynh ở Nghệ An cũng lao vào trường bắt cô giáo mầm non đang mang thai phải quỳ gối do nghi ngờ đánh con mình. Đầu tháng 4, vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng), một cô giáo trẻ đã bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng.
Đỉnh điểm của bạo lực học đường là cô giáo ở Quảng Bình "chỉ đạo" cả lớp tát một học sinh lớp 231 cái, tới mức phải nhập viện do lỡ miệng nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi vào sổ. Ngoài ra, qua tìm hiểu, có 10 học sinh khác cùng lớp bị cô giáo trừng phạt theo cách này. Tổng cộng 11 học sinh trong lớp mà đã hứng trọn 901 cái tát rất mạnh (vì tát nhẹ sẽ bị cô giáo bắt tát lại). Vụ việc vẫn còn đang nóng nổi thì Trường Tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội lại nổi lên vụ cô giáo để trẻ lớp 2 tát bạn.
Chưa hết, việc hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ bị chính học trò tố hành vi dâm ô với hàng chục nam sinh cũng khiến dư luận hết sức căm phẫn.
Bất thường trong điểm thi THPT quốc gia
Nhiều sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia đã được phát hiện tại Hoà Bình
Kỳ thi THPT quốc gia chấn động với bê bối gian lận điểm thi tại nhiều tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình. Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã thành lập các tổ công tác đến địa phương xác minh. Kết quả xác minh, hơn 330 bài thi trắc nghiệm được "phù phép" nâng tổng điểm từ 1 đến 29,95. Tại Sơn La và Hòa Bình, công an xác định điểm bài thi tự luận và trắc nghiệm bị can thiệp.
Cơ quan công an đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại 3 tỉnh này, 10 cán bộ bị khởi tố, trong đó có phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La.
Độc quyền sách giáo khoa
Mỗi năm NXB Giáo dục Việt Nam - cơ quan độc quyền về sách giáo khoa - phát hành hơn 100 triệu bản. Phần lớn sách chỉ dùng một lần vì học sinh được ghi thẳng vào sách, gây lãng phí cả ngàn tỉ đồng. Và nếu tính 16 năm độc quyền SGK (bộ sách đang áp dụng được triển khai từ năm 2002, do NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT phát hành), số tiền lãng phí của xã hội đã lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu liên tiếp đặt vấn đề về bất cập của SGK hiện hành. Nhiều ý kiến cho rằng, việc làm SGK của NXB Giáo dục Việt Nam gây lãng phí ngàn tỉ đồng/năm.
Dự thảo xử phạt sinh viên sư phạm bán dâm gây "bão"
Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy của Bộ GD-ĐT đã gây bão dư luận vì quy định sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học. Theo quy định này, nếu sinh viên vi phạm lần 1 sẽ bị khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn và lần 4 là buộc thôi học.
Dư luận phản ứng dữ dội, ngay sau đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lên tiếng, quy định kỷ luật sinh viên liên quan đến hoạt động mại dâm trong dự thảo là bị "lỗi soạn thảo, chưa cập nhật bản phù hợp nhất". Lãnh đạo Bộ GD-ĐT sau đó đã ký quyết định thành lập 3 hội đồng kỷ luật số 19, 20 và 21 về việc xem xét kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ việc sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần bị đuổi học từng gây "bão" dư luận trong năm 2018. Ngày 16-1-2019, hội đồng kỷ luật của bộ đã họp và quyết định đề xuất xử lý kỷ luật các cán bộ có liên quan, trong đó có 1 cán bộ bị xử lý cảnh cáo, 1 cán bộ bị xử lý khiển trách và 1 cán bộ bị phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc trước tập thể.
Thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic
Em Nguyễn Phương Thảo, Trường THPT chuyên KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), đoạt h
uy chương vàng, đồng thời đoạt điểm cao nhất tại Olympic Sinh học quốc tế 2018
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nóng, ngành giáo dục năm qua cũng có những thành tích đáng kể như đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, Lần đầu tiên, 2 trường đại học Việt Nam lọt vào top 1.000 thế giới…
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2018, tất cả 38/38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 11 huy chương đồng. Năm 2018 cũng là năm đoàn học sinh giỏi của Việt Nam đoạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế so với những năm trước đây. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo, Trường THPT chuyên KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), đoạt huy chương vàng, đồng thời đoạt điểm cao nhất tại Olympic Sinh học quốc tế. Đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất của cuộc thi.
2 đại học Việt Nam lọt vào top 1.000 thế giới
Trong năm 2018, hai cơ sở đào tạo ĐH của Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM lọt tốp 1.000 trường ĐH thế giới theo bảng xếp hạng QS. Cụ thể, ĐH Quốc gia TP HCM nằm trong nhóm 701-750, trong khi ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 801-1.000.
ĐH quốc gia Hà Nội lọt tốp 1.000 trường ĐH thế giới
Năm 2018, tổ chức QS đã xem xét dữ liệu của 4.763 trường đại học từ 151 quốc gia. Sau vòng sơ loại còn 1.233 trường được đối sánh tiếp. Kết quả cuối cùng 1.000 trường đại học của 85 quốc gia đã được xướng tên. Dữ liệu xếp hạng của QS dựa trên ý kiến khảo sát của 1,2 triệu các nhà khoa học và 200.000 các nhà tuyển dụng, số bài báo Scopus tính trong 5 năm (2011-2016), riêng số trích dẫn tính cho giai đoạn 2012-2017.
Bình luận (0)