Bề dày đóng góp
Theo thầy Huỳnh Thế Cuộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Tin học và Ngoại ngữ (HUFLIT) - TPHCM, giáo sư Kim chính là người khởi xướng và phát triển ngành VN học tại HQ. Theo học tiếng Việt tại Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn (nay là Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) ngay từ năm 1968, ông trở thành một trong số hiếm hoi những người HQ dạy tiếng Việt trong thời gian này. Song song với việc giới thiệu tiếng Việt tại HQ, giáo sư Kim cũng tích cực mang tiếng Hàn đến với VN.
Ngay khi hai nước Việt-Hàn chính thức đặt quan hệ ngoại giao vào năm 1992, ông đã đến Trường ĐH KHXH-NV TPHCM đề nghị đưa tiếng HQ vào giảng dạy. Từ chỗ sinh viên VN chưa biết nhiều về HQ, đến nay, trường đã đào tạo được mỗi năm khoảng 100 sinh viên tiếng Hàn. Cũng chính giáo sư Kim đã đến Trường HUFLIT gặp Hiệu trưởng Huỳnh Thế Cuộc đề nghị mở khoa HQ học vào những ngày đầu thành lập trường - năm 1995. Sau hơn 10 năm, Trường HUFLIT hiện tiếp nhận nhiều giáo viên HQ đến giảng dạy tiếng Hàn cũng như đào tạo tiếng Việt cho nhiều du học sinh HQ. Tổng Lãnh sự HQ tại TPHCM Min Young-woo trong buổi lễ đã nhận xét, những đóng góp của giáo sư Kim cho hợp tác ngôn ngữ và văn hóa song phương có bề dày hơn cả 15 năm quan hệ chính thức giữa hai nước.
Giáo sư Kim còn là tác giả của gần 20 cuốn sách giảng dạy ngôn ngữ và nghiên cứu văn hóa Việt. Bộ sách Tiếng Việt sơ cấp, trung cấp được ông biên soạn vào năm 1970, 1971 là những tài liệu tiếng Việt đầu tiên cho người HQ. Về sau này, ông viết nhiều sách dạy tiếng Việt khác như Luyện phát âm tiếng Việt, Hội thoại tiếng Việt bỏ túi...; sách nghiên cứu về VN như: Văn hóa ẩm thực VN, Địa lý nhân văn VN, Quan hệ quốc tế và kinh tế - chính trị VN... Ngoài ra, ông còn viết bài thường xuyên trên tạp chí Chào VN- tạp chí của HQ cổ vũ các hoạt động hợp tác hữu nghị Việt-Hàn và khuyến khích phát triển du lịch giữa hai nước. Từ năm 1999 đến 2003, ông đảm nhận vai trò hội trưởng Hội VN-HQ học, giúp tăng cường sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa giữa hai dân tộc.
Người thầy tận tâm
Được tin giáo sư Kim Ki-tae nhận huy hiệu cao quý do UBND TPHCM trao tặng, rất nhiều học trò đã đến chia sẻ niềm vui với thầy của mình, trong số đó có cả những gương mặt chưa từng được học thầy Kim, chỉ nghe kể về thầy qua các anh chị khóa trước. Trong mắt các học trò, thầy Kim là một người thầy hết sức nghiêm khắc nhưng cũng rất giàu tình cảm. Chị Rayoung Jeon, chủ nhà hàng HQ Dae Jang Geum tại TPHCM, xúc động cho biết, chị theo học thầy từ năm 1986, nhưng đến giờ chị vẫn luôn tự hào là học trò của thầy Kim. Chị nhớ lại, hồi đó tiếng Việt còn chưa được học nhiều ở HQ. Sinh viên khoa tiếng Việt rất ít, nhiều người còn bỏ học vì chán nản, cho rằng học môn này không có tương lai. Lúc đó, thầy Kim đã phải đến động viên, thuyết phục từng sinh viên một rằng quan hệ Việt-Hàn rồi đây sẽ phát triển và học tiếng Việt chắc chắn sẽ có đất dụng võ. Chị vui mừng khi thấy những tiên đoán của thầy mình đã trở thành hiện thực và ngày nay, số sinh viên HQ theo học tiếng Việt ngày càng tăng.
Một bạn sinh viên trẻ khác cũng cho biết, tuy không có cơ hội học thầy Kim vì thầy đã nghỉ hưu được 5 năm rồi, nhưng những câu chuyện về thầy vẫn được truyền lại trong trường, từ khóa này sang khóa khác. Bạn chỉ được biết thế hệ các anh chị lớn coi thầy Kim như người cha, người chú trong gia đình. Mỗi khi có sinh viên nào gặp khó khăn, kể cả về kinh tế, thầy đều hết lòng giúp đỡ. Còn Trường HUFLIT vẫn biết ơn thầy Kim khi thầy vận động để HQ cấp học bổng đào tạo thạc sĩ cho hai sinh viên của trường: Chị Đào Thị Mỹ Khanh sau khi du học ở Seoul đã trở về giảng dạy tại trường, còn anh Đỗ Mạnh Hùng hiện tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu văn hóa tinh thần HQ.
Những công lao của thầy Kim trong việc tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc Việt-Hàn là vô cùng ý nghĩa. Tấm Huy hiệu TPHCM chính là lời tri ân của chính quyền và người dân TPHCM đối với thầy.
Bình luận (0)