Sáng 14-10, Trường ĐH Bách khoa (thành viên ĐHQG TP HCM) cho biết gia đình GS Phạm Phụ thông tin thầy qua đời vào đêm 13-10, hưởng thọ 85 tuổi.
Thúc đẩy hình thành đại học đa lĩnh vực
PGS-TS Cao Hào Thi, nguyên Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết GS Phạm Phụ là người thành lập Bộ môn Quản lý công nghiệp - tiền thân của Khoa Quản lý công nghiệp.
Vào cuối những năm 1980, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, GS Phạm Phụ từng nói: "Tôi thấy cần có một khoa quản lý trong trường kỹ thuật để người kỹ thuật không chỉ biết đơn thuần về kỹ thuật mà còn có ý thức về kinh tế quản lý trong những hoạt động và công tác của mình. Hơn thế nữa, khi quản lý gắn với kỹ thuật thì tính chất quản lý của Khoa Quản lý công nghiệp sẽ nổi trội hơn so với các khoa quản lý đơn thuần".
GS Phạm Phụ phát biểu ý kiến tại một hội thảo về tự chủ đại học Ảnh: LÊ THOA
Ngoài những đóng góp cho Trường ĐH Bách khoa TP HCM, GS Phạm Phụ cũng là người thúc đẩy việc hình thành các trường ĐH đa lĩnh vực ở Việt Nam (từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước). Bước sang thời kỳ đổi mới, GS Phạm Phụ là người góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi nội dung giảng dạy trong các trường ĐH từ kinh tế theo kiểu tập trung sang kinh tế thị trường. Ông cũng là người đề xuất ý tưởng và thực hiện việc giảng dạy các nội dung kinh tế, quản lý cho sinh viên ngành kỹ thuật thông qua nhiều môn học: Quản lý cho kỹ sư, kinh tế kỹ thuật, phân tích dự án…
GS Phạm Phụ còn là cá nhân quan trọng nhất trong việc hình thành chương trình SAV (Swiss - AIT - Vietnam). Thông qua chương trình này, rất nhiều giáo viên của 4 trường ĐH hàng đầu của Việt Nam (Bách khoa TP HCM, Kinh tế TP HCM, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân) được đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), tiến sĩ.
Sức làm việc đáng nể phục
TS Vũ Thế Dũng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP HCM, người giúp việc cho GS Phạm Phụ - chia sẻ rằng GS Phạm Phụ là người làm việc quên mình.
TS Dũng được giúp việc cho GS Phạm Phụ từ năm 1997, khi bắt đầu công tác tại Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Lúc đó GS Phạm Phụ không còn là trưởng Khoa Quản lý công nghiệp mà đang là Đại biểu Quốc hội và Chủ tịch HĐQT, Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ cao TP HCM. Tuy vậy, giáo sư vẫn luôn có mặt ở Trường ĐH Bách khoa TP HCM để làm việc. "Thời gian đó, tôi thường nghe thầy say sưa nói về phương pháp sư phạm, về vai trò của Khoa Quản lý công nghiệp trong Trường ĐH Bách khoa, về các ý kiến đóng góp của thầy cho giáo dục Việt Nam" - TS Dũng nhớ lại.
Khoảng thời gian từ năm 1997-1999, dù rất bận rộn với các vai trò xã hội nhưng GS Phạm Phụ vẫn dành nhiều thời gian để tham gia các hội đồng luận văn của bậc ĐH. Có thầy ngồi trong hội đồng là cơ hội để sinh viên và cả giảng viên được học hỏi và nhận thức tầm quan trọng của việc dạy và học.
"Nhiều năm sau này tôi vẫn luôn nghe thầy trò chuyện về tự chủ trong giáo dục và tài chính giáo dục, về mô hình trường ĐH hiện đại. Sức làm việc của thầy rất đáng nể phục. Thầy luôn luôn có mặt trong trường (kể cả sau khi nghỉ hưu), đọc, viết và phản biện chính sách. Lúc nào gặp, tôi cũng được thầy chia sẻ những trăn trở, băn khoăn và ý tưởng mới của thầy về giáo dục. Điều đáng trân trọng là thầy luôn cập nhật những kiến thức mới nhất của thế giới cùng tư duy sắc bén" - TS Dũng kể.
Gánh vác những việc trọng đại của đất nước nhưng GS Phạm Phụ vẫn luôn chú ý theo dõi và hướng dẫn các thế hệ đi sau trong vai trò giảng viên và vai trò quản lý nhà trường sau này. Khoa Quản lý công nghiệp - nơi GS Phạm Phụ là người sáng lập với tầm nhìn vượt thời gian - là tình yêu to lớn của ông. Ông luôn quan tâm và góp ý cho sự phát triển của khoa với một tâm thế của người thầy, người cha, người anh.
Dạy sinh viên phương pháp đi tìm tri thức
TS Vũ Thế Dũng cho biết thời gian giúp việc cho GS Phạm Phụ, ông đã học hỏi được rất nhiều điều từ người thầy đáng kính. "Tôi vẫn luôn nhớ những căn dặn của thầy về phương pháp giảng dạy ở bậc ĐH. Đó là "dùng phương pháp để dạy phương pháp là bậc cao nhất, chứ không được dùng nội dung để dạy nội dung cho sinh viên". Ý thầy là trách nhiệm cao nhất của giảng viên là dạy cho sinh viên phương pháp để đi tìm tri thức chứ không phải dạy những nội dung kiến thức cụ thể - những thứ sẽ bị thay thế rất nhanh theo thời gian. Những dặn dò này đã theo tôi mãi trong suốt quá trình giảng dạy" - TS Vũ Thế Dũng nói.
Bình luận (0)