Hầu hết các chuyên gia sư phạm khi được hỏi đều cho rằng việc đào tạo nghiệp vụ đang là điểm yếu của các trường sư phạm hiện nay. Tại một cuộc hội thảo mới đây, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm không được các sinh viên nói riêng, hệ thống trường sư phạm nói chung, nhận thức đầy đủ.
“Sư phạm đi sau phổ thông”
Lâu nay, việc giảng dạy tại các trường sư phạm chỉ chú trọng năng lực chuyên môn mà chưa chú ý đến nghiệp vụ sư phạm, chương trình mang nặng tính hàn lâm và cung cấp lý luận phương pháp dạy học, chưa gắn với thực tiễn.
Theo khảo sát của PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chính vì sự thiếu tự tin nên trong quá trình thực tập sư phạm có tới 50% giáo sinh muốn đổi nghề.
Thạc sĩ Nguyễn Thu Tuấn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết không ít sinh viên sư phạm quan niệm cứ học giỏi là có thể dạy tốt, không cần nghiệp vụ sư phạm, vì thế mà kết quả các đợt thực tập cho thấy phần lớn đều lúng túng trong xử lý các tình huống sư phạm, có khi phạm sai lầm cả về kiến thức cơ bản, mặc dù họ đã được đào tạo kỹ, có hệ thống về lý luận dạy học và kiến thức khoa học cơ bản.
Giảng viên sư phạm cần tham gia dạy phổ thông để tích lũy kinh nghiệm. Ảnh: H.LÂN
Không chỉ thế, việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm chưa cập nhật những thay đổi về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học ở phổ thông đã khiến xảy ra nghịch cảnh “sư phạm đi sau phổ thông”.
Nơi đào tạo (các trường ĐH sư phạm) không quan tâm đến “đơn đặt hàng” của khách (các trường phổ thông) đã dẫn đến việc cho ra lò những sản phẩm được đánh giá là “giàu tri thức chuyên môn, nghèo kỹ năng sư phạm”. Thạc sĩ Nguyễn Thu Tuấn nói: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, có tới trên 90% giảng viên các trường sư phạm hầu như chưa tham gia dạy học tại các trường phổ thông nên thiếu kinh nghiệm thực tế”.
Mở rộng mô hình trường thực hành
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, các giảng viên phải hợp tác chặt chẽ với các trường phổ thông. Họ vừa phải giảng dạy tốt tại trường ĐH vừa phải thật thành thạo việc dạy một môn ở trường THPT.
Thạc sĩ Kim Liên ví dụ tại Phần Lan, giảng viên bộ môn phương pháp dạy học ở các trường ĐH sư phạm luôn tự hào có 2 công việc chính, một ở trường ĐH và một ở trường phổ thông. Thạc sĩ Kim Liên cho rằng việc thực hiện việc hợp tác này không khó trong thực tiễn Việt Nam nếu trở thành yêu cầu bắt buộc.
Cũng đặt ra giải pháp thay đổi đội ngũ giảng viên sư phạm vừa thiếu vừa yếu hiện nay, GS Phan Trọng Luận, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần phải có một kế hoạch đào tạo lớp trẻ gấp rút, mạnh tay và đào tạo một cách bài bản, công phu, mới có thể cứu vãn được chuyên ngành phương pháp đang đi vào ngõ cụt.
Cũng theo GS Luận, điều quan trọng không kém là phải thay đổi định kiến sai lầm cho rằng những ai không có khả năng nghiên cứu thì vào các tổ phương pháp, rằng phương pháp không phải ngành khoa học mà chỉ là chuyện rèn luyện một số kỹ năng nghề nghiệp nên ai cũng dạy được, miễn là có trình độ khoa học cơ bản.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, để nâng cao nghiệp vụ sư phạm, việc cần làm ngay là các trường phải rà soát lại chương trình đào tạo song song với việc thay đổi từ chính các giảng viên. Mô hình trường thực hành cần được nhân rộng để sinh viên có điều kiện hành nghề trước khi trở thành giáo viên.
Việc thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường sư phạm cũng được Bộ GD-ĐT đặt ra, theo đó hội đồng này sẽ họp hằng năm, hằng tháng hoặc hằng quý để trao đổi về những vấn đề giảng dạy chuyên môn, viết giáo trình, bồi dưỡng giáo viên, phối hợp đào tạo giáo viên trên địa bàn...
Bình luận (0)