Tình hình thí sinh đăng ký dự thi và theo học hệ THCN cũng tăng lên đáng kể. Năm nay, hầu hết các trường THCN trên địa bàn TPHCM đều tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường còn tuyển được vượt chỉ tiêu. Trước tình hình học sinh học nghề gia tăng, các trường nghề lại phải đối mặt với nỗi lo canh cánh: “Đào” đâu ra giáo viên (GV) dạy nghề?.
Cứ 21 học sinh mới có một giáo viên
Một trong những chương trình trọng điểm của thành phố từ nay đến năm 2010 là tăng quy mô lao động qua đào tạo nghề lên khoảng 30% (gấp hơn hai lần quy mô hiện nay). Để đào tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề như vậy, thì phải xây dựng được đội ngũ GV đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Theo quy định, tỉ lệ GV trên học sinh là 1/15, nhưng thực tế tỉ lệ này ở các trường nghề lên đến 1/21.
Ông Ngô Minh Châu, Phó Phòng Đào tạo - Trường Trung học (TH) Điện 2, buồn rầu nói: “Hiện nay, trường thiếu khoảng 7 - 8 GV tốt nghiệp ngành hệ thống điện nhưng tuyển mãi không được”. “Trường TH Kỹ thuật - Nghiệp vụ (KT- NV) Nam Sài Gòn vừa nhận thêm 4 GV nghề. Thế nhưng, so với số lượng học sinh thì số GV vẫn còn thiếu khoảng 40%” - Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Trưởng Phòng Đào tạo của trường, đã cho biết như vậy. Trường TH Lương thực Thực phẩm còn thiếu đến 15 GV dạy chuyên ngành nhưng mới được cơ quan chủ quản cho tuyển thêm 5 GV...
Lương thấp, lại gặp rào cản thi tuyển công chức
Phần đông sinh viên các trường ĐH, CĐ sư phạm kỹ thuật khi ra trường không vào trường nghề mà đi vào các cơ sở sản xuất. Ông Hoàng Hoài Nam, Hiệu phó Trường TH Giao thông Công chánh, cho biết: “Sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm Kỹ thuật muốn vào dạy ở các trường chuyên nghiệp, phải trải qua kỳ thi tuyển công chức, đồng thời mức lương đi dạy thấp hơn nhiều so với làm ngoài”. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay kỹ sư vừa ra trường nếu làm việc cho các công ty sản xuất có thể nhận được mức lương tối thiểu là 1 triệu đồng/tháng. Còn nếu đi dạy thì cao lắm chỉ nhận được 800.000 đồng/tháng. Hơn nữa, lương GV ba năm mới được tăng một bậc, trong khi làm ngoài mức lương được tăng hàng năm, thậm chí hàng tháng.
Hàng năm, số lượng thí sinh dự thi công chức vào trường nghề rất ít. Theo Phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD-ĐT TPHCM; năm 2001 chỉ có 78 giáo sinh dự thi, số trúng tuyển là 50. Trong khi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có đến gần 1.000 sinh viên đại học (chính quy lẫn tại chức) ra trường.
Biện pháp trước mắt: Tăng tiết, tăng giáo viên thỉnh giảng, giữ lại học sinh tốt nghiệp
Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì GV không được dạy tăng tiết quá 50% tổng số giờ, nhưng ở Trường TH Công nghiệp TP, do quá thiếu GV các GV đã phải dạy tăng tiết 100%. Song song đó, trường vẫn phải mời GV thỉnh giảng. Đây cũng là biện pháp chung của nhiều trường. Trường TH KT-NV Phú Lâm thỉnh giảng 40 GV; Trường TH KT-NV Nguyễn Hữu Cảnh: 34 GV; Trường KT Cao Thắng: 20 GV... Đặc biệt, khu vực dạy nghề còn thiếu GV có khả năng dạy lý thuyết lẫn thực hành.
Theo khảo sát 1.577 GV của trên 30 đơn vị dạy nghề ở TPHCM, chỉ có khoảng 39% GV có khả năng dạy lý thuyết lẫn thực hành. Trước tình trạng tuyển GV dạy nghề khó, các trường đã bổ sung đội ngũ GV bằng cách giữ lại những học sinh có thành tích học tập xuất sắc để đào tạo. Trường TH KT May Thời trang vừa giữ lại một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi hệ cao đẳng (liên kết) để đào tạo thành GV hướng dẫn thực hành. Trong những năm qua, Trường TH KT Lý Tự Trọng đã gầy dựng được một đội ngũ GV khá đông từ việc giữ lại học sinh giỏi. Hầu hết những GV diện này đều đã theo học lên khối K (trước đây khối N) của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật...
Cần có chính sách khuyến khích giáo viên dạy nghề Hiện nay, lương GV THCN, dạy nghề đều thấp hơn ngạch chính của các ngành khác như: bác sĩ chính, kiểm toán viên chính. Với mức thu nhập GV thấp như vậy, các trường nghề khó lòng thu hút sinh viên tốt nghiệp về dạy. “Nếu Nhà nước không có chính sách đầu tư khuyến khích cho GV trường nghề thì rất khó để đảm bảo nâng cao chất lượng học sinh nghề”. Đó cũng là ý kiến chung của đại diện các trường nghề trong hội nghị giao ban công tác giáo dục THCN lần thứ nhất vừa qua. |
Bình luận (0)