Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Nội vụ đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Tiêu chí khó cho giáo viên
Trước những bất cập liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Giáo viên đang chịu nhiều áp lực từ công việc chuyên môn đến quy định hành chính về chứng chỉ... .Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, Bộ GD-ĐT phải báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp. Đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian qua về vấn đề này.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia Về đổi mới GD-ĐT, cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng là xác đáng, kịp thời, gỡ khó cho giáo viên. Theo ông Vinh, nên dừng lại việc bồi dưỡng cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Lý do là các quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không thực hiện theo quy định của Luật Viên chức năm 2010 - quy định tại điều 8: Chức danh nghề nghiệp là "... tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp". Điều đó có nghĩa là những tiêu chuẩn và tiêu chí tại các thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ trước đây và các Thông tư 1, 2, 3, 4/2021/TT-BGDĐT không phản ánh đúng nội hàm của quy định trên.
Ông Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới ban hành cho thấy vẫn chưa có được những định nghĩa rõ ràng về nhiệm vụ cùng với các tiêu chuẩn gắn với bản mô tả việc làm tại vị trí giảng dạy của giáo viên. Có những tiêu chí rất khó để giáo viên thực hiện được, như là giáo viên mầm non dạy ở nhóm trẻ phải đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Sử dụng tiêu chuẩn kép về chuyên môn nghiệp vụ và danh hiệu thi đua - như chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh - là không hợp lý. Hơn nữa, theo quy định về thi đua - khen thưởng thì chỉ một tỉ lệ nhất định giáo viên trong cơ sở giáo dục được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, dẫn đến việc cơ hội sẽ không bằng nhau cho mọi giáo viên để được thăng hạng. Trên thực tế, phần nhiều danh hiệu thi đua ở nhà trường lại hay rơi vào những người có vị trí quản lý.
"Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có nhiều nội dung không bám sát tiêu chuẩn mà lại đưa những kiến thức thuộc về nhiệm vụ quản lý cơ sở giáo dục hoặc những kiến thức đã được học ở chương trình CĐ hay ĐH" - ông Vinh phân tích.
Giảm bớt các chứng chỉ không cần thiết
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội Phú Yên, cho rằng các tiêu chuẩn đặt ra cho giáo viên cũng phải xuất phát từ thực tiễn.
"Những tiêu chuẩn không cần thiết thì không nên gây áp lực cho giáo viên, nhất là đối với những quy định nặng về bằng cấp. Tôi nhận được nhiều phản ánh của giáo viên về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đa số bày tỏ sự không đồng tình. Quan điểm của tôi là không nên chú trọng bằng cấp mà lại bỏ qua năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên" - bà Hiền bày tỏ.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng giáo viên khi còn học trong các trường sư phạm là đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, có thể bỏ yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên để giảm bớt các chứng chỉ không cần thiết, gây phiền hà cho họ.
Trong khi đó, một đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh cần lấy ý kiến rộng rãi của những người trực tiếp chịu tác động đối với việc có cần bỏ chứng chỉ nghề nghiệp này hay không. Vị này cho rằng Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nên phải có chính kiến về việc cần hay không cần chứng chỉ này và lý do của việc giữ hay bỏ nó là vì sao...
Nên điều chỉnh kịp thời
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, với những bất cập từ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên đến chất lượng xây dựng và thực thi chương trình bồi dưỡng quá nhiều "sạn", Bộ GD-ĐT nên dừng lại việc thực hiện các thông tư về chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mới ban hành cho phù hợp với Luật Viên chức. Ngoài ra, với các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ thuộc những ngành, lĩnh vực khác, Bộ Nội vụ cũng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá và điều chỉnh kịp thời.
Bình luận (0)