Bởi đã trót đăng ký danh hiệu cao nhất tổ là y như rằng công việc trường lớp sẽ dồn dập. Hở tí xíu ra là mọi người lại lôi cái danh hiệu đang phấn đấu để đẩy cho bao nhiêu là công việc, nào là "chiến sĩ thi đua tất nhiên phải dạy chuyên đề", "chiến sĩ thi đua phải lo hoàn thành ngoại khóa", "chiến sĩ thi đua nên phải chạy theo phong trào thôi"...
Đó là chưa kể khi bạn mạnh dạn đăng ký để phấn đấu hoặc là bị đẩy vào thế bí phải đứng tên cho danh hiệu chiến sĩ thi đua thì suốt năm học phải tiên phong trong tất cả hoạt động: chất lượng giáo dục phải đạt chỉ tiêu, mũi nhọn học sinh giỏi phải có thành tích, hoạt động ngoài giờ phải đoạt giải này, thưởng kia…
Bên cạnh đó là một loạt yêu cầu khắt khe khác đi kèm, riêng giáo viên trường tôi thì ngán nhất khâu viết sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Những thay đổi cơ bản về kiểu mẫu trang bìa, các đề mục, cách trình bày khiến giáo viên quay mòng theo quy định. Những đồng nghiệp của tôi đã chạy lui chạy tới bóc, xé, dán, đóng năm ba lượt cho mấy quyển sáng kiến đúng mẫu.
Thi đua trong trường học nhằm thúc đẩy động lực phấn đấu, cống hiến của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên. Những danh hiệu "chiến sĩ thi đua cơ sở" hay "lao động tiên tiến" là lời khen tặng, khẳng định năng lực, nỗ lực và sự đóng góp của người thầy trong công tác giáo dục.
Nếu lao động tiên tiến là danh hiệu dễ dàng đạt được thì chiến sĩ thi đua lại bị khống chế bởi không được quá 15% tổng số giáo viên và nhân viên. Vậy nên, "khe cửa hẹp" này ở nhiều trường học đang cản bước của không ít người tài muốn cống hiến.
Bởi chỉ tiêu bị khống chế, số lượng chiến sĩ thi đua có hạn nên hầu như năm nào danh hiệu cao quý này cũng chia đều cho các "ban bệ" như ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên. Còn lại giáo viên nào muốn chen chân vào "khe cửa hẹp" thì buộc phải có thành tích giảng dạy và hoạt động nổi bật.
Vậy nhưng, một vài hội đồng thi đua thiếu tính dân chủ và công bằng đã phủ nhận nỗ lực và cố gắng của giáo viên giỏi dẫn đến tình trạng khiếu kiện liên miên gây mất đoàn kết nội bộ. Dần dà, mọi người không còn mặn mà lắm với việc đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua.
Như trường tôi chẳng hạn, từ chỉ tiêu 15% tổng số cán bộ, ước lượng được khoảng 6-7 người, chia đều ra cho các tổ chuyên môn, vị chi mỗi tổ chọn ra một người đăng ký. Công tác bình xét thi đua cuối năm nhẹ nhàng hơn hẳn, tránh tình trạng nâng lên đặt xuống và hoàn toàn chẳng mất lòng ai. Vậy mà cũng đến lúc tổ có một suất nhưng không ai muốn nhận. Buồn thay!
Khi giáo viên không mặn mà với thi đua, mọi công tác trong nhà trường đều làm một cách cầm chừng, hoàn thành vừa đủ. Khi giáo viên không muốn đua theo danh hiệu để gánh cực vào thân, nội lực phấn đấu và sáng tạo của người thầy gần như bị bào mòn.
Căn bệnh chây ì trong giáo dục cần được thanh tẩy. Muốn vậy, ngành giáo dục cần trả lại đúng bản chất của thi đua, trường học cần thi đua để tiến bộ chứ không thể chấp nhận kiểu thi đua "cầm chừng", thi đua "an toàn". Và quan trọng là nhà trường phải tạo điều kiện để giáo viên có động lực thi đua, đừng dồn dập đẩy việc cũng như tránh tình trạng bắt bẻ khắt khe vào những tiểu tiết của mấy quyển sáng kiến cải tiến kỹ thuật...
Bình luận (0)