Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng muốn giảm tải cho GVMN đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ chứ không thể chỉ ban hành những quy định chỉ có thể thực hiện trên… giấy.
GVMN hiện nay đang chịu quá nhiều thiệt thòi. Ngay như tiền phụ trội - được coi là khoản bù đắp cho những giờ làm thêm của GVMN - cũng thể hiện sự bèo bọt. Cụ thể, một năm, mỗi GVMN chỉ được trả công tối đa 200 giờ phụ trội (1 ngày chỉ được tính 1 giờ), trong khi 1 ngày, mỗi GV đã phải làm thêm 5 giờ, mỗi năm là hơn 900 giờ phụ trội. Như vậy, có tới hơn 700 giờ họ làm không công, gấp 4,5 lần số giờ được trả tiền.
Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn giảm giờ làm có chắc GV sẽ vui? Vì không làm ở trường thì họ biết làm gì? Giảm tải không phải là giảm giờ làm mà phải trả lương tương xứng với sức lao động của họ. Lâu nay, chúng ta đang lợi dụng lòng yêu nghề của GVMN nhưng như vậy sẽ được bao lâu? GVMN chấp nhận cảnh “bỏ con mình chăm con người” nhưng nếu tiền công lao động của họ không đủ mua sữa cho con thì sẽ đến lúc, nơi nào trả lương tương xứng, họ sẽ đi. Đó chính là nguyên nhân khiến đội ngũ GVMN hiện nay ở TPHCM luôn không ổn định.
Mỗi năm, TPHCM có nhu cầu tuyển dụng gần 3.000 GVMN, nếu không tuyển đủ, sẽ phải sử dụng đến GV hạng 2 - những người không được đào tạo đúng chuyên môn và nghiệp vụ để nuôi dạy trẻ. Điều đó không những phản giáo dục mà còn rất nguy hiểm.
Bình luận (0)