Lần theo các hashtag liên quan đến việc trồng cây như #plantsmakepeoplehappy và #indoorplants trên ứng dụng Instagram, kết quả có lần lượt hơn 14 triệu và 11 triệu bài viết hiển thị. Vài năm gần đây, mạng xã hội gần như trở thành sàn diễn nơi người trẻ "thể hiện" phong cách sống xanh mát và thú vui chăm sóc cây cảnh.
Đưa "vườn" vào nhà
Bị hấp dẫn bởi những căn phòng tràn ngập màu xanh trên Instagram, Anh Thư (huyện Bình Chánh, TP HCM) tranh thủ cuối tuần, đến tiệm bán cây để chọn vài mầm xanh. Tại đây, cô gái gen Z gặp nhiều bạn đồng trang lứa cùng sở thích đang mải mê ngắm cây, mua đồ trang trí, dụng cụ làm vườn. Thư "chốt đơn" mấy chậu hồng, tóc thần vệ nữ, sen đá, thường xuân, trầu bà. Cô tìm hiểu môi trường sinh trưởng của cây, loại nào ưa ẩm, loại nào ưa ánh sáng và dành 30 phút tưới cây, tỉa lá và quan sát mỗi ngày. Vào khoảnh khắc nụ hoa vừa nâng niu đêm hôm trước "biến hình" thành đóa hồng rực rỡ sáng hôm sau, Thư cảm nhận sự kết nối diệu kỳ với tự nhiên chứ không còn đơn thuần chạy theo cơn sốt ảnh trên Instagram nữa.
Trồng cây trong nhà mang đến nhiều giá trị tích cực cho bạn trẻ .Ảnh: LỆ TRINH
Với Nguyễn Vũ Hoàng (quận Gò Vấp, TP HCM), mảng xanh tại nhà mang lại nhiều giá trị cho gia đình anh về mặt sức khỏe, vừa thanh lọc không khí, che chắn bụi bẩn. Nhà Hoàng ở ngay mặt tiền một con đường tấp nập, đông đúc xe cộ và gia đình anh phải sống chung với tiếng ồn và sự bụi bặm lâu nay. Họ thử nhiều cách để hạn chế tiếng ồn, bụi bặm và bảo vệ sức khỏe. Ban đầu, Hoàng và mẹ tận dụng ban công nhỏ để trồng cây. Mẹ anh chọn những loại cây dây leo như hoa giấy, khổ qua… để khi cây mọc vươn dài có thể trở thành "lá chắn" bụi bẩn, vừa tô điểm cho ngôi nhà. Sau này, khi họ xây sân thượng diện tích lớn hơn, nhiều loại cây đa dạng được trồng thêm. Ưu tiên vẫn là những loại rau, trái như: ngót, lá lốt, sung, bạc hà, nha đam, mướp, chanh, ớt, đinh lăng…; tiếp đến là những cây cho bóng mát, hay được xem là mang lại may mắn như lộc vừng, cọ, kim tiền, lưỡi hổ, mai tứ quý…
Khu vườn giữa phố mang lại niềm hạnh phúc cho cả nhà Vũ Hoàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vườn cây khiến chàng trai 9x chăm vận động hơn, anh thích tưới cây, hóng mát, tập thể dục. Rau quả tự trồng giúp tiết kiệm chi phí, tuy không nhiều song các thành viên trong nhà đều vui khỏe và an tâm.
"Có một cây là có rừng"
Sự thiếu hụt mảng xanh tại đô thị là một phần lý do thôi thúc nhiều người tạo dựng "vườn cây" trong nhà. Bất chấp giới hạn về diện tích nơi ở trong thành phố đông người, bạn trẻ luôn tìm cách sáng tạo để thỏa đam mê. Hoài Tấn (quận 11, TP HCM) từng chuyển nhà trọ để tìm không gian sống có chỗ trồng cây. Anh để các loài dương xỉ, lưỡi hổ, thường xuân, lan chi, bàng Singapore… phủ xanh ban công nhỏ rồi "xâm lấn" đến bàn làm việc, kệ, tủ…Tấn tâm sự: "Chỉ cần ngồi một mình ngắm cây cối, nghe nhạc, uống trà, tôi cũng bớt căng thẳng, trở nên điềm tĩnh hơn".
Trong thời gian giãn cách vì COVID-19, Diễm Hằng (TP Thủ Đức) tìm thấy nhiều điều tích cực qua cây, trái. Bên cạnh cây cảnh và hoa, "khu vườn" nhà cô bắt đầu có ớt, hành, sả... Vào giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến chống dịch, Hằng có thời gian quan sát nhiều hơn về quá trình hoa nở rồi tàn, về cây cần thăng bị khô cành được cô kiên nhẫn chăm chút từ từ ra lá non. Cô kể: "Tôi có thể ngồi hàng giờ tận hưởng mùi sả thơm ùa vào phòng hay ngắm những cánh hoa giấy rực hồng trong nắng". Những cái cây cho cô bài học về nghị lực, can đảm và tinh thần chiến đấu vì sự sống. Lúc xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, Hằng về Đà Lạt - quê hương mình, thăm những cây mai, anh đào, cây hồng, cây trà... Rồi cô tìm đến đồi thông chỉ để yên lặng, tựa vào một cái cây và nghĩ về những cánh rừng đang mất dần...
Cũng như Diễm Hằng, nhiều bạn trẻ đã nhận thức sâu sắc, dành sự quan tâm và chung tay cho các chiến dịch để gây rừng, nhất là khi hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Biết đến dự án trồng rừng của Hạnh phúc xanh (một chương trình của Sống Foundation) - nơi những người trẻ biết mình cần hành động và thật sự hành động, Diễm Hằng nhiệt tình ủng hộ. "Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương". Nhờ có nhiều "Hằng" như thế, mục tiêu trồng 44.000 cây mắm, bần tại Sóc Trăng trong năm 2022 đã hoàn thành trong 3 tháng. Tình yêu cây cứ tự nhiên lan tỏa, cộng hưởng. Chưa đến một tháng kể từ ngày phát động, 23.000 mầm xanh được gửi đến Ninh Thuận bắt đầu cho chiến dịch Trồng rừng giữ nước 2022 với mục tiêu phủ xanh 50 ha đất trống, đồi trọc. Những khoản đóng góp gần xa đã góp sức để Hạnh phúc xanh cùng các doanh nghiệp, địa phương trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trong vòng 5 năm.
Bình luận (0)