Giáo sư Phạm Minh Hạc đặt câu hỏi: Nhà nước cho phép người nước ngoài mở trường tại Việt Nam, sao chỉ khống chế 10% người Việt Nam theo học các trường này? “Tôi cho là nên để khả năng thu nạp học sinh đến đâu, người ta sẽ nhận đến đấy. Nếu quy định thế này sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, người này được vào học, người kia thì không. Liệu 10% này sẽ rơi vào con cái nhà ai?” - GS Phạm Minh Hạc băn khoăn. Ông cũng cho rằng việc này sẽ dẫn đến nguy cơ phải “chạy” vào các trường cơ chế, lại tái diễn cơ chế xin - cho.
Chỉ nên kiểm duyệt chương trình
“Tôi đã sang Phần Lan, thăm trường có học sinh Việt theo học. Ở trường này, họ có thêm những giờ dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam, dù người Việt Nam ở Phần Lan khi đó rất ít, khoảng 1.000 người. Nói thế để thấy vấn đề chính ở đây là quản lý nội dung giảng dạy chứ không phải lo lắng trẻ học trường quốc tế thì quên mất nguồn gốc lịch sử dân tộc mình” - GS Phạm Minh Hạc cho hay.
Cũng đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, cho rằng không nên giới hạn con số 10% học sinh Việt ở trường quốc tế. “Quan trọng là phải kiểm duyệt được chương trình” - TS Lâm nhấn mạnh. “Muốn tồn tại được, các cơ sở giáo dục nước ngoài phải tuân thủ các quy định của Việt Nam. Điều cốt lõi ở đây là chúng ta phải buộc họ phải giảng dạy thêm một số môn tiếng Việt trong chương trình của họ, điều đó không khó. Bản thân các trường cũng muốn phát triển đa văn hóa nên tôi cho việc dạy thêm một số môn tiếng Việt trong trường quốc tế không phải là điều gì
khó khăn”.
Chia sẻ về việc lo lắng trẻ Việt có nguy cơ biến thành “Tây” nếu học các trường quốc tế từ quá sớm, một chuyên gia giáo dục thừa nhận “Bộ GD-ĐT có cái lý của họ”. Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết: “Tây hóa hay không Tây do rất nhiều yếu tố chứ không phải do học trường quốc tế. Cần phải chủ động hòa nhập chứ không nên lo hòa tan với học sinh nước ngoài. Cơ quan chức năng phải quy định trường quốc tế cần có giáo viên Việt dạy lịch sử Việt, tiếng Việt song song với chương trình tiếng Anh”.
Quyền lợi học sinh?
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT, trong lĩnh vực giáo dục, cả nước có khoảng 111 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại 6 tỉnh, TP, gồm: Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng. Cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài chiếm số lượng lớn nhất là các cơ sở đào tạo ngắn hạn (chiếm 40%), cơ sở giáo dục phổ thông (32,4%)… Số lượng các cơ sở giáo dục đa cấp (18) chiếm đến 50% tổng số cơ sở giáo dục phổ thông.
Nếu phải đáp ứng các quy định trong Nghị định 73, nhiều trường quốc tế có nguy cơ phải cho nghỉ học bớt học sinh Việt Nam. Hiện Trường Fosco (TPHCM) với 100% vốn nước ngoài có tỉ lệ học sinh Việt Nam so với học sinh quốc tế là 70/30. Từ khóa học 2012 - 2013, học sinh theo học ở đây được học giáo trình của tiểu bang Califorina (Mỹ), từ năm 2013 - 2014 trở đi sẽ theo giáo trình Comment Core. Bộ giáo trình này hoàn khác so với giáo trình đang giảng dạy ở Việt Nam. Vì vậy, nếu trường phải tuân thủ quy định chỉ tuyển 10% học sinh Việt, rất nhiều phụ huynh sẽ lo lắng. “Trên thực tế, đây là một quy định bất hợp lý. Con chúng tôi đang học trường quốc tế, chẳng lẽ lại phải chuyển trường trong khi chúng tôi có nhu cầu và các cháu cũng đang học rất tốt?” - một phụ huynh bức xúc.
Nếu phải đáp ứng các quy định trong Nghị định 73, nhiều trường quốc tế có nguy cơ phải cho nghỉ học bớt học sinh Việt Nam |
Bình luận (0)