.Phóng viên: Nhiều người cho rằng ChatGPT đang bùng nổ, tạo ra ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ cũng như người dùng, ông đánh giá về những ưu điểm và hạn chế của ChatGPT thế nào?
PGS-TS Đinh Điền (giữa) đang trao đổi tại tọa đàm sáng 19-2 .Ảnh: HUY LÂN
- PGS-TS ĐINH ĐIỀN: ChatGPT có khả năng tìm kiếm thông tin, tổng hợp thông tin rất nhanh và rất hiệu quả, nó cũng có khả năng giúp cho người sử dụng tất cả các công việc liên quan đến biên tập, biên soạn nội dung. Về ngôn ngữ, ChatGPT không những có ngôn ngữ của con người mà cả ngôn ngữ của máy tính.
Hiện nay, ChatGPT còn có hạn chế về mặt ngữ liệu, có những ngữ liệu mang tính đặc thù của dân tộc hay văn hóa, lịch sử thì nó không có nên trả lời sai như là lịch sử Việt Nam, địa lý Việt Nam, văn bản liên quan đến chữ Nôm là chưa trả lời được.
.Với sự phát triển không ngừng, khả năng của ChatGPT trong tương lai sẽ như thế nào?
- ChatGPT đang ở mức độ nhập bằng văn bản, trả lời văn bản nhưng sắp tới nó sẽ kết nối thêm phần âm thanh, phần họa. Khi có phần họa thì độ chính xác sẽ cao hơn vì con người chúng ta nếu có phần thoại sẽ hiểu rõ hơn. Ví dụ câu: "Ông già đi nhanh quá" sẽ có 2 cách hiểu tùy theo cách phát âm, ở đây là việc ngừng nghỉ (punctuation). Cách 1 là: "Ông/già đi"(trở nên già) và cách 2 là: "Ông già/đi" (di chuyển)… đó là về phần cấu thoại thì nó sẽ rõ hơn. Xa hơn nữa, nó sẽ thêm ảnh biểu cảm của người nghe, nó sẽ biết người nghe đang vui hay đang buồn, đồng ý hay không đồng ý… đó là khả năng phát triển của nó khi ngữ liệu càng ngày càng lớn hơn, kết quả trả lời sẽ chính xác hơn khi phối kết hợp với môi trường về vấn đề thoại và hình ảnh.
.Liệu đến lúc nào đó, con người có thể quá phụ thuộc vào ChatGPT?
- Chắc chắn con người sẽ phụ thuộc vì lúc đó mọi công việc nó làm được thì con người không cần làm để khỏi mất thời gian. Có những công việc sẽ rất phụ thuộc vào nó như công việc của biên tập viên báo chí, biên tập quảng cáo… thay vì phải 10 người biên tập thì sắp tới dự tính chỉ cần 1 biên tập viên.
.Con người cần phải làm gì để không phụ thuộc ChatGPT?
- ChatGPT là công cụ đắc lực cho con người, vì thế mình nên dùng nó. Mình phụ thuộc vào nó với ý nghĩa tốt, là trợ lý đắc lực cho mình. Nhưng, như đã nói ở trên, không phải lúc nào ChatGPT cũng làm đúng, trả lời đúng; muốn dùng ChatGPT có hiệu quả phải biết cách dùng nó, không phải ai cũng dùng được nếu chúng ta đưa ra câu hỏi không rõ, không đầy đủ yếu tố thì nó sẽ trả lời không đúng. Do đó, chúng ta cần làm chủ ChatGPT và biết cách sử dụng để nó trở thành trợ lý cho chúng ta.
.Những bước tiến vượt bậc trong trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT có thể tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là giáo dục và đào tạo. Theo ông, giáo dục ĐH đang đứng trước thách thức và cơ hội gì?
- Đối với ChatGPT, thách thức với giáo dục ĐH là rất lớn vì tất cả các vấn đề thậm chí giải toán, lập trình… nó đều làm được hết. Thách thức lớn là làm sao để cho giáo viên biết bài nào là của sinh viên làm, bài nào ChatGPT làm vì cùng một nội dung yêu cầu, ChatGPT cho ra nhiều câu trả lời nhưng tất cả đều đúng trong khi không thể cấm người học dùng ChatGPT được.
Ở khía cạnh khác, ChatGPT mang lại cho giáo dục ĐH cơ hội lớn vì nó là trợ lý đắc lực nên cần khai thác nó để mang lại những giá trị cao hơn. Chẳng hạn giáo viên, thay vì mất thời gian soạn bài thì có thể để ChatGPT soạn; thay vì chúng ta là một đề tài và đi tìm những thông tin tổng hợp vốn mất rất nhiều thời gian khi tìm kiếm và đọc các tài liệu trên Goggle… thì ChatGPT tổng hợp cho mình. Vấn đề là khi gắn vào hệ thống thông tin và tổng hợp thông tin lúc đó người dùng chỉ cần kiểm tra lại thông tin - lúc đó cần chúng ta giỏi hơn ChatGPT.
Có thể đổi hình thức thi vấn đáp
Ngày 19-2, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM tổ chức buổi tọa đàm "ChatGPT và AI: Thách thức và cơ hội trong giáo dục đại học" với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giảng viên và sinh viên, trong đó PGS-TS Đinh Điền là báo cáo viên chính.
Tại tọa đàm, TS Lâm Quang Vũ, Khoa Công nghệ Thông tin - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết ChatGPT hoàn toàn có thể hỗ trợ giáo viên trong soạn bài giảng, kiểm tra. Giáo viên đương nhiên là có sự chuẩn bị bài giảng nhưng ChatGPT để kiểm tra xem lĩnh vực có cập nhật gì không. Khi giáo viên cập nhật được kiến thức, vai trò của người học nếu có sử dụng ChatGPT thì hành vi sẽ phải thay đổi. Một trong những điểm yếu của ChatGPT là nó chưa cập nhật kiến thức ở thời điểm hiện tại. Nếu giáo viên ra đề về những vấn đề đang diễn ra, thời sự thì ChatGPT không hỗ trợ được.
TS Giáp Văn Dương cho rằng để đối phó với việc sinh viên chỉ dựa vào ChatGPT khi thi thì giảng viên có thể cho sinh viên thi vấn đáp thay vì viết luận.
Vấn đề được nêu ra tại buổi tọa đàm là tính công bằng trong sinh viên khi không phải sinh viên nào cũng có thể sử dụng ChatGPT vì sản phẩm này sắp tới đây sẽ thu phí người dùng.
Bình luận (0)