Ông Hoàng Xuân Tâm đang đọc và chỉnh sửa bài cho sinh viên
Những chuyến “điền dã” thú vị
Thế nhưng, khi nói về vốn tiếng Việt của mình, ông tự nhận còn “dốt” lắm. Bởi theo ông, ngôn ngữ mênh mông và phức tạp, đến tuổi 70 vẫn phải học nhiều, đôi khi học trò cũng là người thầy của ông. Một lần, nghe sinh viên quê Nghệ An đọc câu ca dao: Râu tôm nấu với ruột bù/ Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon. Ông tâm đắc lắm. Khi tra từ điển, ông thấy chữ “bù” theo phương ngữ xứ Nghệ là “bầu”. Lúc khác, khi chấm luận văn tốt nghiệp cho học trò, thấy câu: Lươn ngắn lại chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê chai lệch mồm, cứ ngỡ sinh viên ghi sai chính tả, hỏi ra mới nghe sinh viên giải đáp “chai” là con cá chai.
Tốt nghiệp đại học, ông dạy môn văn cho học sinh cấp 3 ở Cao Bằng. Nơi đây, học trò hầu hết là người Tày. Để truyền cảm hứng môn văn bằng tiếng phổ thông chỉ còn cách thầy phải học tiếng Tày. Đến khi học sinh bắt đầu yêu thích môn văn thì ông cũng đang say sưa với tiếng Tày. Mỗi cuối tuần, ông lại theo một học sinh trong lớp về tận nhà và ở lại. Theo ông, cùng sống và làm việc với người Tày là cách nhanh nhất để học tiếng Tày. Ông kể, có lần ông đi bộ xa hơn 50 km để tới ở lại nhà một người học trò. Trên đường đi, thấy cây gì ông đều hỏi. Ứng với mỗi cây, học trò lại đọc một câu ca dao nói về thời vụ mùa màng, việc canh tác liên quan đến cây đó. Cứ vậy, vừa học tiếng Tày, ông vừa hiểu thêm đời sống nông dân miền núi. Đến nay, khi nói chuyện, ông vẫn quen dẫn những câu ca dao, thành ngữ của người Tày, rồi dịch sang tiếng phổ thông. Sau gần 9 năm sống tại Cao Bằng, ông sưu tập được hơn 1.500 câu ca dao, thành ngữ tiếng Tày và dịch sang tiếng phổ thông.
Hễ ở đâu nghe người ta đọc câu ca dao, thành ngữ, ông ghi nhớ rồi tìm hiểu về nguồn gốc, nguyên nhân hình thành. “Cứ như tiếng Việt đã chảy trong máu. Được hiểu thêm về đời sống, suy nghĩ của nông dân qua những câu nói của họ càng khiến tôi hứng thú với tiếng Việt” - ông nói.
Không phải là “vẽ sự” mà là trách nhiệm
Cũng vì nặng lòng với tiếng Việt, mỗi lần nghe hay nhìn thấy những câu, những từ không chính xác một cách vô tình hay cố ý, ông không khỏi buồn lòng. Ông kể: Một lần, nghe trên VCD quan họ về một số trẻ chơi trò nu na nu nống hát rõ từng lời: “Lu la lu lống, cái bống lằm trong, cái ong lằm ngoài...”; hay đĩa khác lại hát bài Trăng thanh gió mát lần thứ nhất là “chim lạc đàn xao xa xao xác” nhưng lần thứ hai là “chim lạc đàn thao tha thao thác”. Ông cho rằng: “Các cách phát âm địa phương ấy, ở đâu thì còn chấp nhận được, song không thể xuất hiện trên một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ”.
Ông Hoàng Xuân Tâm hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Từ năm 1962 – 1970, ông là giáo viên dạy môn văn bậc THPT tại Cao Bằng, sau đó chuyển về Hà Nội. Năm 1975, ông vào TPHCM làm giảng viên ngôn ngữ của Trường CĐ Sư phạm TPHCM (nay là Trường ĐH Sài Gòn). Ông tham gia viết nhiều tài liệu: Dạy học tiếng Việt THCS, Ngữ pháp tiếng Việt theo quan điểm chức năng, Giáo trình cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Giúp bạn nói đúng, viết đúng tiếng Việt, Dạy học tiếng Việt 1, Dạy học tiếng Việt 2... |
Bình luận (0)