Tại buổi giao lưu, SV không chỉ được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về tâm lý mà còn được hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý thường gặp.
Các triệu chứng “stress” ngày càng phổ biến, thường xảy ra đối với SV, nhất là SV năm nhất. Áp lực học tập, sự thiếu tự tin, khả năng thích ứng không tốt, suy nghĩ nhiều về kinh tế, tình cảm… là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tâm lý của nhiều SV.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khẳng định hai thứ cần có để vượt qua khủng hoảng là tinh thần và kỹ năng. Có nhiều cách thức điều tiết khủng hoảng về tâm lý được nêu ra, trong đó thay đổi thực tại được cho là giải pháp tốt nhất có thể. Khi gặp khủng hoảng, điều đầu tiên là xác định nguyên nhân, sau đó đưa ra giải pháp và đi đến hành động giải quyết vấn đề.
Khánh Huyền, SV năm nhất Khoa Văn học và Ngôn ngữ, đặt vấn đề: “Tình trạng cúp học ở SV ngày càng phổ biến. Thầy có suy nghĩ gì về vấn đề này và giải pháp nào đối với những căng thẳng về thi cử, thuyết trình liên tục?”. TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa ra lời khuyên: SV cần tự tìm ra ý nghĩa môn học bằng cách lập đề cương, xác định chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội. Ngoài ra, nếu thầy cô dạy chưa hay, chưa hợp lý, người học cần kích thích tác động trở lại, như thế bài giảng sẽ đạt được hiệu quả hơn.
Trong khi đó, để giảm căng thẳng thi cử, SV có rất nhiều phương pháp học. Tuy nhiên, không ít phương pháp đang đi theo lối mòn, gây nhàm chán. SV cần sáng tạo ra những phương pháp học mới, những cách học thông minh. Từ đó, việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Một trong những phương pháp học tập thông minh là phương pháp ghi nhớ. Mỗi SV tự tập cho mình ít nhất một phương pháp ghi nhớ, cụ thể hóa nội dung bằng những gì gần gũi nhất, đồng thời cần có kỹ năng tìm kiếm thông tin và phương pháp thuyết trình trước công chúng.
Bình luận (0)