Một buổi học tiếng Việt của học sinh một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: Nam Khánh
Kết quả này là một trong những căn cứ đầu tiên để ông Nguyễn Trí Dũng, phó Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, triển khai sáng kiến kinh nghiệm chữa ngọng cho giáo viên tiểu học, thí điểm ở huyện Phú Xuyên. Tiếp đến triển khai ở 13 huyện ngoại thành Hà Nội.
Ngọng phổ biến
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, kết quả khảo sát tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy có 22,27% trong số 203.832 học sinh và 11,80% trong số 10.875 giáo viên nói và viết sai chữ l, n. Trong đó, huyện Mê Linh có số học sinh ngọng nhiều nhất (chiếm khoảng 40,6% trong tổng số trên 14.000 học sinh). Tiếp đến là huyện Sóc Sơn có trên 34% trong số 22.036 học sinh, Ứng Hòa 31,7%... Mê Linh và Phú Xuyên cũng là những địa phương có số giáo viên nói ngọng nhiều nhất, trên 23% trong tổng số giáo viên được khảo sát, tiếp đến là Ứng Hòa, Thường Tín, Sóc Sơn.
Theo thông tin từ một số trường ngoại thành Hà Nội, tình trạng học sinh nói ngọng chiếm đa số. Trường Tiểu học Đại Thịnh, Mê Linh có khoảng 60% học sinh nói ngọng n, l. Trường Tiểu học Ngô Tất Tố, Vĩnh Ngọc, Đông Anh có 30-40% học sinh nói ngọng. Đại diện một số trường tiểu học khác như An Khánh (Hoài Đức), Tiền Phong (Mê Linh), Nhị Khê (Thường Tín) cũng cho biết tỉ lệ học sinh nói ngọng l, n khá phổ biến.
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Ngoài việc nói ngọng l, n là phổ biến, ở một số địa phương, trong đó có cả khu vực nội thành, học sinh còn phát âm dấu huyền thành dấu sắc, hay dấu ngã thành dấu sắc, không phát âm được âm tiết cuối hay phát âm sai một số âm tiết. Ví dụ ở Quốc Oai, nhiều học sinh phát âm dấu huyền thành sắc, Thạch Thất phát âm “o” thành “oe”...
Ông Tiến cho rằng: “Chỉ khi phân biệt được việc phát âm và viết thế nào là đúng, sai thì mới có thể sửa được. Trong những lần dự giờ để tìm hiểu về tình trạng nói ngọng của giáo viên và học sinh, tôi phát hiện có những học sinh biết mình nói ngọng nhưng không biết phải sửa thế nào cho đúng, cũng có những học sinh không quan tâm đến việc phát âm chuẩn. Đây là việc mà giáo viên các trường tiểu học phải có trách nhiệm giúp các em phân biệt được và ý thức rõ việc cần phải sửa, sửa như thế nào. Muốn vậy giáo viên phải nói, viết chuẩn, phải đi đầu trong việc sửa nói ngọng”.
Chủ trương “chữa ngọng” cho giáo viên để từ đó chữa ngọng cho học sinh lần đầu tiên được Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai. Sau kết quả thí điểm tại Phú Xuyên đã giúp tỉ lệ học sinh nói ngọng giảm từ 48,36% xuống còn khoảng 20%, tỉ lệ giáo viên nói ngọng cũng giảm đáng kể. Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai việc “sửa ngọng” ở 13 huyện ngoại thành, chủ yếu là các huyện thuộc địa bàn Hà Tây, Vĩnh Phúc cũ.
Trong nhiệm vụ của năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Hà Nội một lần nữa đặt ra việc đẩy mạnh thực hiện “sửa ngọng” ở 13 huyện. Cụ thể là luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu là l, n đối với giáo viên, học sinh ở các trường tiểu học.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng GD-ĐT Gia Lâm (Hà Nội), cho biết: “Chúng tôi đã triển khai chuyên đề “chữa ngọng” cho cán bộ, giáo viên cốt cán, trong đó hướng dẫn các phương pháp chữa ngọng, hình thức rèn luyện phát âm và viết chuẩn. Theo yêu cầu của phòng GD-ĐT, 24 trường tiểu học trên địa bàn huyện đã triển khai việc “chữa ngọng”. Việc “chữa ngọng” được xem là nhiệm vụ của giáo viên”.
Còn ở Phú Xuyên, hiệu trưởng một số trường tiểu học cho biết: Khi việc phát âm, viết chuẩn được đặt ra như một việc bắt buộc phải thực hiện thì ý thức của giáo viên sẽ tăng lên. Giáo viên phát âm, viết chuẩn, sẽ kéo theo ý thức sửa ngọng của học sinh.
Ông Phạm Xuân Tiến cho biết đã yêu cầu các trường tiểu học thường xuyên chú trọng việc sửa phát âm, viết sai khi dạy tiếng Việt, đặc biệt là các phân môn tập đọc, tập viết, tập làm văn. Các trường phải bố trí ít nhất 1-2 tiết/tuần để luyện tập, chữa ngọng cho học sinh.
Các trường có thể tổ chức các hình thức sinh động để tạo môi trường phát âm, viết chuẩn tiếng Việt. Giáo viên phải dành thời gian trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để sửa lỗi phát âm cho nhau, hướng dẫn học sinh chia nhóm để luyện tập sửa ngọng. Việc nắm chắc nghĩa của từ để viết đúng là yếu tố quan trọng giúp việc sửa ngọng nhanh hơn.
Tuy nhiên, việc sửa ngọng không chỉ trông chờ vào nhà trường mà phải từ cả cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Quý băn khoăn: “Chuyển biến thì có nhưng rất khó triệt để. Vì học sinh chỉ ở trường vài tiếng/ngày. Sau đó khi về nhà lại tiếp xúc với môi trường nói ngọng. Việc nói ngọng nhưng không biết và không có động cơ phải sửa của người lớn khiến con trẻ bị lôi cuốn trở lại cách phát âm sai, viết sai. Bên cạnh đó, có những giáo viên cũng không thành công trong việc sửa ngọng, đây là cản trở cho việc đẩy mạnh việc sửa ngọng của học sinh”.
Đề xuất hạn chế tuyển giáo viên nói ngọng
Ông Quý phát biểu: “Những giáo viên nói ngọng do tồn tại của lịch sử thì đành phải nỗ lực tìm cách sửa ngọng. Nhưng tôi cho rằng khi tuyển mới giáo viên, cần phải có tiêu chí phát âm và viết chuẩn. Năm tới tôi sẽ đề xuất việc tuyển giáo viên không chỉ xem xét hồ sơ, trình độ đào tạo mà phải tổ chức thi tuyển. Trong đó, người dự thi nói ngọng phải bị trừ điểm rất nặng để hạn chế việc giáo viên tiểu học đứng trên bục giảng nói sai, viết sai. Trên thực tế, một số trường tiểu học ở các quận nội thành Hà Nội đã kiên quyết “nói không” với giáo viên nói ngọng. Bởi một giáo viên nói ngọng có thể kéo theo mấy chục học sinh nói ngọng”. |
Bình luận (0)