xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàm Châu - Ngôi sao viết về khoa học đã tắt!

DƯƠNG QUANG

Nhà báo - nhà văn Nguyễn Hàm Châu (Hàm Châu) - cộng tác viên lâu năm, thân thiết của Báo Người Lao Động - vừa qua đời. Bài viết này kể một vài kỷ niệm và tình cảm giữa Hàm Châu đối với báo, thay cho lời tiễn biệt…

Cuộc điện thoại gần sau cuối tôi gọi cho Hàm Châu là vào hôm 7-7-2016 để đặt bài khi biết ông đang dự hội nghị “Khoa học cơ bản và Xã hội” tại Quy Nhơn (Bình Định) trong khuôn khổ Chương trình Gặp gỡ Việt Nam. “Đơn đặt hàng” hôm ấy không thành bởi ông bất ngờ nhập viện cấp cứu ở Quy Nhơn ngay trong sáng hội nghị khai mạc.

Cây bút trứ danh

Hôm sau, kết nối được trở lại, ông nói vội, giọng yếu: “Sức khỏe mình dạo rày sa sút quá. Chắc đây là lần dự Gặp gỡ Việt Nam cuối cùng của mình…”.

Quả như tiên đoán. Chưa đầy một tháng sau thì ông ra đi bởi cơn đột quỵ khi đang sống một mình tại Hà Nội. Căn hộ nhỏ ông thuê ở khu tập thể Kim Liên đầy ắp sách và đầy ắp nhiệt huyết của một nhà báo lão luyện, tài hoa. Và có lẽ vẫn còn đó không ít cuốn “Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý” (NXB Thế giới, 2016) còn thơm mùi mực mà tác giả chưa kịp tặng hết cho bạn bè. Đây là công trình đồ sộ, dày hơn 830 trang, thể hiện dưới dạng ký sự văn học - khoa học “rất Hàm Châu” - người được đánh giá là cây bút viết về toán học và vật lý lý thuyết số 1 Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Nhà báo - nhà văn Hàm Châu. (Ảnh do nhân vật cung cấp hồi tháng 6-2014)
Nhà báo - nhà văn Hàm Châu. (Ảnh do nhân vật cung cấp hồi tháng 6-2014)

Viết đến đây, rồi nhìn cuốn “Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý” ông vừa tặng 2 tuần trước đang đặt trên bàn, tôi chợt nhớ một e-mail cũ, ông gửi hôm 2-7, mở ra xem lại mà không khỏi bùi ngùi. E-mail có đoạn: “Tác giả cuốn sách này, tất nhiên, không thể vắng mặt tại Quy Nhơn trong “cơ hội lịch sử” (Chương trình Gặp gỡ Việt Nam - NV) để kịp thời viết bài về hội nghị và nhân dịp đó trao tặng cuốn sách mới của mình cho một số bạn bè quốc tế và Việt Nam quen biết từ lâu, như một món quà kỷ niệm nho nhỏ. Đã 11 lần hiện diện tại các cuộc Gặp gỡ Việt Nam, vậy thì, lần này, lần thứ 12, lẽ nào tác giả lại khiếm diện!”.

Ông không vắng mặt tại hội nghị khoa học đó mà đã về dự. Dự lần cuối rồi chia tay mọi người. Và vĩnh biệt những trang viết về khoa học cơ bản “sáng rõ như hình học, tinh tế như thơ” (chữ dùng của Hàm Châu). Mãi mãi!

Thông tuệ, yêu nghề tha thiết

Có lẽ trong nhiều năm tới, thậm chí có khi cả vài thập niên, ở Việt Nam sẽ không tìm ra được một nhà báo - nhà văn nổi tiếng mà rất khiêm nhường, thông tuệ mà luôn cầu tiến và yêu nghề tha thiết như Hàm Châu. Ông là nhà báo Việt Nam hiếm hoi đạt tầm quốc tế, thường xuyên được các hội nghị quốc tế về khoa học cơ bản mời dự với tư cách ký giả. Với mọi sự kiện, Hàm Châu đều tự đi, tự nghe (không cần phiên dịch) bởi ông thông thạo 3 ngoại ngữ Pháp, Hoa, Anh và sau đó viết bài cho các báo tiếng Việt bằng lối diễn đạt gọn gàng, dễ hiểu nhất. Dù đã làm báo và sáng tác văn học suốt 60 năm qua nhưng chưa bao giờ Hàm Châu chịu “dừng bước giang hồ”. Ngược lại, ông luôn tìm tòi, tự học. Pháp văn và Hoa văn Hàm Châu học từ bé, Anh văn học sau này (chủ yếu tự học), kèm với đó là tin học. Nhờ giỏi ngoại ngữ và tin học, ông đọc và hiểu rất sâu các nội dung khô khốc, gai góc của toán, vật lý nên viết thành các bài báo luôn tinh tế, đầy mỹ cảm.

Tháng 8-2010, GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng toán Fields danh giá, người Việt Nam khi ấy nghe nói nhiều đến “Bổ đề cơ bản” mà chẳng hiểu mấy, kể cả giới báo chí cũng vậy. Hàm Châu làm khác, ông nghiên cứu thật kỹ “Bổ đề cơ bản” của Chương trình Langlands bằng các thứ tiếng Anh, Pháp rồi rút ra “hồn cốt” của nó, diễn đạt lại trong các bài báo tiếng Việt hết sức chuẩn xác, nhẹ nhàng và bài bản. Có mấy ai viết báo mà làm được như thế!

Để viết về danh cầm Đặng Thái Sơn, ông mua sách và lên mạng học thêm rất nhiều về âm nhạc (Hàm Châu được học nhạc từ nhỏ), nghe đi nghe lại bản Concerto số 2 của F. Chopin mà Đặng Thái Sơn đã nhiều lần trình tấu. Nhờ vậy, Hàm Châu có nhạc cảm khá tốt. Ngoài Chopin, ông cảm hiểu sâu sắc nhạc Mozart, Beethoven, Bach, Tchaikovsky… “Phải yêu nhạc, hiểu nhạc và nhân vật âm nhạc thì tôi mới dám viết về họ” - Hàm Châu có lần chia sẻ.

Viết cho giai phẩm Xuân Người Lao Động năm 2015, sau khi chuyển bài viết về TS Nguyễn Trọng Hiền, ông gửi cho tôi e-mail ghi chủ đề “Bài Tết - sửa một chữ”, đề nghị: “Bản thảo bài báo Tết có sửa một chữ ở đầu trang 3: Mình viết 500 viện sĩ của ANS đã được tặng Giải thưởng Nobel. Hơi nghi ngờ, mình vào website của Viện Hàn lâm Khoa học (Mỹ) kiểm tra lại và thấy con số ấy là 200 chứ không phải là 500…”. Và với bản thảo cuốn “Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý”, Hàm Châu chỉnh sửa đến 4 lần trước khi in. Đến lần cuối thì ông ngã quỵ, được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì tắc ruột. Ca mổ thông ruột kéo dài suốt 3 giờ 28 phút. Rời bệnh viện, ông lại lao vào làm sách tiếp...

Phải rất yêu nghề, rất có trách nhiệm với bạn đọc thì mới có tấm gương như thế!

Sứ giả khoa học

Hàm Châu được xem là sứ giả của giới khoa học Việt Nam. Qua kết nối với GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Chương trình Gặp gỡ Việt Nam) cùng nhiều nhà khoa học, nhà tài trợ khác ở nước ngoài, họ đã quyên quỹ xây một trung tâm hội nghị khoa học hoành tráng tại Quy Nhơn và ở mỗi Chương trình Gặp gỡ Việt Nam, họ đều mời được nhiều chủ nhân Nobel Vật lý sang dự, giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm nghiên cứu cho giới khoa học Việt. Hàm Châu quen biết rộng và hiểu sâu về từng người cũng từ đó. Nhờ vậy, các gương mặt khoa học xuất sắc quốc tế và Việt Nam đều được đúc vẽ qua ngòi bút của ông thật sống động và sâu sắc. Rất nhiều nhân vật trong số đó đã được giới thiệu trên Báo Người Lao Động, như: Patrick Aurenche, James Cronin, Jerome Friedman, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn, Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc (vợ GS Trần Thanh Vân), Trịnh Xuân Thuận, Nguyễn Trọng Hiền, Phạm Quang Hưng, Lưu Lệ Hằng, Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa...

Ấy vậy mà, về người con gái lớn của ông - Nguyễn Thị Thiều Hoa, từng đoạt HCB Olympic Toán quốc tế ở Áo và là 1 trong 3 nữ tiến sĩ khoa học về toán học của Việt Nam hiện nay - cũng rất tầm cỡ, tôi đề nghị Hàm Châu viết bao nhiêu lần song ông đều từ chối. Lý do, ông bảo vì “là người nhà” nhưng tôi nghĩ đó là bởi sự khiêm cung thường thấy ở các tên tuổi lớn, như phẩm chất vốn có của Hàm Châu.

Những bài viết của Hàm Châu từ nay không còn xuất hiện trên các báo nữa nhưng ngòi bút tài hoa và nhân văn của ông sẽ không phai trong ký ức bạn đọc!

Nhà báo Hàm Châu sinh năm 1935 trong một gia đình Nho học, khoa bảng ở Nam Đàn, Nghệ An; làm báo từ năm 22 tuổi. Bên cạnh rất nhiều giải thưởng về báo chí và văn học, ông là tác giả của hơn 2.500 bài báo, 23 đầu sách in chung, 10 đầu sách in riêng, nổi bật như: “Hiếu học và tài năng”, “Người trí thức quê hương”, “Trái tim trong tuyết trắng”, “Đất Việt cuối trời xa”, “Ngô Bảo Châu - một “Nobel toán học”, “Những chân trời của tài năng”, “Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - một số chân dung”… và mới nhất là “Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo