Tất cả chỉ để phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH tại Hàn Quốc. Có lẽ không nói quá khi cho rằng ngày 13/11 vừa qua, không chỉ gần 600.000 sĩ tử mà cả đất nước Hàn Quốc cùng đi thi ĐH!
Nóng dần trước ngày thi…
Tuyển sinh đại học vốn dĩ là kỳ thi quan trọng, càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết tại Hàn Quốc, nơi mà giáo dục và bằng cấp được xem trọng hàng đầu trong xã hội. Đối với một thanh niên Hàn, “thương hiệu” của trường đại học mà mình đã tốt nghiệp là một trong những nhân tố quyết định lớn đến công việc, sự nghiệp sau này.
Năm nay, kỳ thi kiểm tra năng lực xét tuyển đại học được tổ chức từ 8h40 sáng tới 6h chiều ngày 13 tháng 11, bao gồm 5 môn thi (Văn học, Toán, tiếng Anh, Xã hội/Khoa học,/Nghiên cứu nghề nghiệp, Ngoại ngữ 2/Tiếng Hán) chủ yếu dưới hình thức trắc nghiệm và có khoảng 580 ngàn sĩ tử đi thi trên tất cả 996 điểm thi.
Càng gần đến ngày thi, thông tin từ các cơ quan ngôn luận, các hoạt động kinh doanh, hỗ trợ cho sĩ tử ngày càng bùng nổ: từ việc hướng dẫn các phương pháp học thi, giữ sức khỏe, giới thiệu các món ăn hỗ trợ trí nhớ, cho đến cả những bí quyết rất mê tín, kiểu như: không được ăn Miyeokguk (món canh rong biển), vì sợ món này trơn trượt, dễ thi rớt.
Đền chùa, nhà thờ thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho các bậc phụ huynh, nhất là trước ngày thi 100 ngày. Rất nhiều bà mẹ phải đứng lên quỳ xuống lạy 1000 đến 3000 cái, mệt lả người nhưng vẫn không ngừng lại vì muốn cầu may cho con. Bởi vì họ là những người chịu nhiều áp lực nhất trong việc học tập của con cái.
Thị trường quà tặng cũng nở rộ không kém. Trong siêu thị, các cửa hàng và các trang thương mại điện tử luôn tràn ngập các loại quà tặng cho dịp này. Ngoài các bộ sản phẩm truyền thống như các loại ttok (bánh nếp truyền thống), kẹo dẻo (tượng trưng cho sự “kết dính”- tức thi đỗ vào đại học), cho đến các loại thuốc bổ, nhân sâm, chai cung cấp oxy, đồng hồ đếm ngược, nhẫn may mắn v.v… Các hãng kem và bánh ngọt cũng rất nhanh nhạy khi tung ra các sản phẩm ngộ nghĩnh có lời chúc để làm quà cho sĩ tử.
Các chương trình, hoạt động cổ vũ, nhất là do em học sinh cấp 3 tổ chức để động viên cho “sonbe” cũng được chuẩn bị khá chu đáo. (“Sonbe” nghĩa là “tiền bối,” dùng để gọi khóa trên trong cùng một trường. Ở Hàn Quốc, mối quan hệ giữa các khóa trong cùng trường rất mạnh). Vào ngày thi, hàng trăm học sinh khóa dưới đến điểm thi rất sớm với đầy đủ băng rôn, hoa, quà để cổ vũ hết mình cho các sĩ tử không khác gì đi cổ vũ cho các thần tượng ca nhạc.
Và cả nước lặng im…
Các sĩ tử chuẩn bị làm bài thi. |
Trước ngày thi một tuần, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thông báo tới các ban ngành cùng phối hợp để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông vào ngày thi.
Giờ làm việc của các cơ quan nhà nước cũng như các công ty được dời trễ lại 1 tiếng đồng hồ. Thị trường chứng khoán cũng mở cửa lúc 10 giờ thay vì 9 giờ, các ngân hàng thương mại cũng dời giờ làm việc trễ 30 phút, từ 10 giờ sáng đến 5 chiều.
Trong phạm vi 200 mét ở các khu vực thi, cấm xe cộ lưu thông, kể cả đậu xe.
Đặc biệt, trong thời gian thi nghe của các môn ngoại ngữ (từ 8 giờ 40 đến 8 giờ 53 phút và từ 1 giờ 10 đến 1 giờ 30 phút), tuyệt đối cấm các loại xe bóp còi khi ngang qua khu vực thi, tàu điện ngầm phải chạy chậm lại. Giờ cất cánh và hạ cánh của các chuyến bay nội địa cũng được điều chỉnh để tránh thời gian thi nghe này, riêng các chuyến bay đến từ quốc tế được yêu cầu bay ở độ cao trên 10,000 feet.
Lực lượng quân đội, cảnh sát cũng được điều động để hỗ trợ sĩ tử trong việc di chuyển. Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc đã phân công khoảng 4.000 nhân viên trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp liên quan đến điện, có ít nhất một kỹ sư túc trực tại mỗi điểm thi trong ngày này để kiểm tra thường xuyên.
Rõ ràng, nếu các sĩ tử thi rớt do các vấn đề liên quan đến giao thông, tiếng ồn hay điện thì áp lực và chỉ trích sẽ đè nặng lên những người đứng đầu các ngành này.
Dường như hoạt động của cả nước Hàn Quốc cũng hòa theo nhịp đập của các sĩ tử trong phòng thi. Họ chấp nhận dễ dàng và không ai than phiền về những thay đổi trong ngày này, bởi vì rất đơn giản, họ đã từng là sĩ tử, đã từng hoặc sắp trở thành phụ huynh của sĩ tử, hay đơn giản hơn, họ là người Hàn Quốc và hơn ai hết hiểu được nỗi ám ảnh mang tên “thi đại học” tại nước mình!
Bình luận (0)