Trường ĐH Công nghiệp TP HCM mới đây đã ban hành 6 quyết định cảnh báo 2.252 sinh viên (SV) tự ý bỏ học trong học kỳ I năm học 2019-2020.
Cảnh báo trước khi quá muộn
Trong số này có 393 SV bậc ĐH hệ chính quy khóa 2017-2021; 282 SV bậc ĐH hệ chính quy khóa 2016-2020; 162 SV bậc CĐ hệ chính quy khóa 2017-2020; 897 SV bậc CĐ hệ chính quy khóa học 2018-2021; 507 SV bậc ĐH hệ chính quy khóa 2018-2022 và 11 SV hệ ĐH liên thông vừa học vừa làm khóa 2018-2020 trong danh sách SV bị cảnh báo.
PGS-TS Lê Văn Tán, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết 2.252 SV ĐH, CĐ, liên thông hệ vừa làm vừa học bị cảnh báo học vụ không phải là nhiều so với quy mô khoảng 34.000 SV (ĐH chính quy 27.000; CĐ gần 7.000) mà trường đang đào tạo, cũng không tăng so với các đợt cảnh báo học vụ trước.
Ở trường, sau mỗi học kỳ, nhà trường đều có thông báo cảnh báo kết quả học tập đối với những SV có kết quả học tập kém, SV tự ý bỏ học. Việc cảnh báo này nhằm giúp SV biết, từ đó có phương án học tập phù hợp để có thể tốt nghiệp trong thời gian học tập cho phép. Sau mỗi đợt cảnh báo học vụ, có khoảng 60% SV trở lại học tập, cải thiện điểm trung bình chung tích lũy năm học… số còn lại bị buộc thôi học.
Ở nhiều trường ĐH khác, hằng năm các trường cũng cảnh báo học vụ hàng trăm, hàng ngàn sinh viên và một tỉ lệ lớn trong số đó sau này bị buộc thôi học. Trường ĐH Ngân hàng TP HCM có quy mô đào tạo gần 10.000 SV, sau mỗi học kỳ có khoảng 400 SV bị cảnh báo học vụ; số SV bị buộc thôi học sau 2 lần liên tiếp cảnh báo học vụ khoảng 200 SV. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, mỗi năm có gần 300 SV bị buộc thôi học. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM mỗi năm có khoảng 400 SV bị buộc thôi học...
Gần đây, Trường ĐH Tài chính Marketing đã quyết định ngừng học 1 năm với 117 SV hệ CĐ do xếp loại rèn luyện kém. Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM thông báo hơn 900 SV bị trường đánh giá 0 điểm rèn luyện, xếp loại kém, trong đó gần 700 SV đang theo học, số còn lại là SV bảo lưu, thôi học hoặc bị đình chỉ.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Chán học vì chọn sai ngành
Quyết định buộc thôi học SV có học lực yếu được quy định cụ thể trong quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
PGS-TS Lê Văn Tán cho rằng năm nào cũng có cả ngàn sinh viên bị cảnh báo học vụ, bị buộc thôi học do kết quả học tập kém, do tự ý bỏ học. Nguyên nhân có thể kể ra như khi vào được ĐH, các em SV tự cho mình được xả hơi, sa vào những cuộc vui, lao vào đi làm thêm kiếm tiền không chịu học tập nghiên cứu nên kết quả học tập sa sút, có cả SV chọn sai ngành nên chán rồi tự ý bỏ học…
TS Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết các trường ĐH luôn cố gắng trong công tác chăm lo SV, nâng cao chất lượng đào tạo nhưng phía SV cũng cần sự cố gắng. Học ĐH cần sự tự giác, tự lập kế hoạch học tập chứ không giống như ở bậc phổ thông. Nhiều SV không thể thích nghi được phương pháp học ở bậc ĐH nên sớm phải chia tay môi trường ĐH; nhiều em sau khi chọn ngành mới thấy mình không phù hợp nên bỏ học.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng học ĐH chủ yếu là tự học thông qua nhiều hình thức. Các em phải tìm hiểu, thích nghi với cách dạy và học mới của nhà trường như học theo nhóm, học theo dự án...
Sáng tạo và khởi nghiệp ngay trong thời gian học ĐH cũng có thể giúp các em vươn lên làm những người chủ. Kỹ năng mềm cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công của SV trong tương lai, được hình thành trong quá trình học trên lớp, học ngoài giờ…
Nỗ lực siết chất lượng
Đại diện các trường cho biết cảnh báo học vụ, nặng hơn là buộc thôi học đối với SV khiến SV không vui nhưng điều đó cho thấy các trường ĐH ngày càng mạnh tay siết chặt chất lượng đào tạo. Những SV không nghiêm túc, thiếu nỗ lực, kết quả kém sẽ sớm bị đào thải.
Bình luận (0)