4 giờ sáng 27-6, anh Hồ Văn Thoái (29 tuổi; ngụ tại thôn A Luông, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) dắt chiếc xe máy ra ngõ để chở vợ - chị Hồ Thị Vang - đến điểm thi Trường THPT Đakrông. Trời còn tối mịt, đèn xe có cũng như không nên mất gần 3 giờ đánh vật với quãng đường 70 km, Thoái mới "hoàn thành nhiệm vụ" đưa vợ đến điểm thi.
Lộ phí đi thi là… 7 cây bời lời
Hồ Thị Vang, 27 tuổi, là học viên lớp 12A Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đakrông. Con gái đầu của vợ chồng chị đã hoàn thành chương trình lớp 2 với học lực xuất sắc; trong khi cô con gái út cũng vừa học xong mẫu giáo, chuẩn bị vào lớp 1. Còn Vang, hôm nay là buổi thi tốt nghiệp THPT cuối cùng mà chị phải vượt qua để "hoàn thành" chương trình học của mình.
Vợ chồng Vang -Thoái vượt hơn 70 km đường đèo dốc quanh co để đến điểm thi
Quê Vang ở tận A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Học xong lớp 10, vì điều kiện gia đình nên Vang nghỉ học. "Hai năm sau đó, em kết hôn với anh Thoái và đến làm dâu ở thôn A Luông. Đến nay, chúng em đã có 2 đứa con, đứa nào cũng sáng dạ nhưng mỗi tội hay ốm đau. Năm 2017, được chồng và người thân động viên, em xin đi học trở lại tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đakrông" - Vang cho biết.
Hành trình đi thi của 2 vợ chồng trẻ
Một ngày trước, chúng tôi theo chân vợ chồng Vang lên nương rẫy. Buổi sáng, họ bốc vác tràm cho một hộ dân trong thôn để trả nợ số tiền đã ứng trước đi làm thủ tục dự thi.
Buổi chiều, vợ chồng Vang-Thoái đến nương rẫy của mình. Họ đến để làm điều mà mãi đến khi trải lòng tâm sự, chúng tôi mới biết: Chặt nốt những cây bời lời còn lại, bóc vỏ bán lấy tiền làm lộ phí đi thi.
Hai vợ chồng Vang chặt 7 cây bời lời lấy vỏ mang bán
"Hai vợ chồng định bụng đầu năm học sẽ chặt số bời lời này bán, dành tiền mua chiếc cặp, quyển vở cho con. Nhưng rồi, tụi em đành phải chặt bán vì không có đồng nào trong tay, trong khi ngày thi đã cận kề. Cả thảy 7 cây bời lời chặt hạ, mình bóc được 65 cân vỏ, mỗi cân bán 2.000 đồng, vị chi được 130.000. Đổ xăng đi thi và về hết 60.000 đồng, còn 70.000 mua gạo, thức ăn"- Vang "tính nhanh" số tiền cầm chưa nóng trên tay.
Hành trình đi thi của đôi vợ chồng trẻ
Anh Thoái gãi đầu, giải thích lý do chưa thoát được nghèo là bởi không có nghề nghiệp ổn định, trong khi vợ và 2 đứa con nhỏ "thi nhau ốm". Hết người này ốm lại đến người kia nên tiền làm ra không kịp để mua thuốc chữa bệnh. Cho dù, anh Thoái là người không cờ bạc, rượu chè và chưa hề mở miệng chê việc nặng, việc khó...
Trước ngày thi, Vang theo chân chồng lên nương chặt bời lời
Chồng mù chữ mong vợ có chữ
Vài ngày trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019, vợ chồng Vang chở 2 đứa con gái gửi bà ngoại ở A Lưới để đi làm thuê, kiếm tiền. Gia đình bà ngoại các cháu cũng thuộc diện nghèo rớt mùng tơi. Bà bị tàn tật ở chân và sống với người con trai út mù lòa từ nhỏ. "Gần ngày em thi, bà bảo cứ đưa cháu sang, bà ăn gì thì cháu ăn nấy, con thi xong rồi hẵng tính"- Vang thuật lại lời mẹ.
Anh Thoái không viết nổi tên mình nhưng luôn động viên vợ học hành kiếm con chữ
"Cuộc đời sao khổ quá"- nhiều lúc nghĩ thế, Vang muốn bỏ học để bám nương, bám rẫy lo cái ăn trước mắt. Ý định ấy xuất hiện trong suy nghĩ của Vang nhưng bị "đánh bật" bởi những câu ngây ngô của con trẻ đến lời động viên của chồng chị, người chưa viết nổi tên mình.
Có hôm hết gạo, không có tiền cho con ăn sáng, Vang nói con gái nghỉ học ở nhà một buổi. Con gái lớn của Vang lắc đầu, bảo "không ăn sáng một bữa có sao đâu", rồi lấy xe đạp chở mẹ đi học. Còn anh Thoái thì luôn động viên vợ ráng học để có cái chữ dạy con cái và giúp gì được cho bà con thì giúp.
"Anh ấy nói tiền bạc thiếu thì thiếu thật nhưng chữ thì không được thiếu, em phải làm gương để con cái noi theo. Lúc nản lòng, nhớ lại lời con gái và chồng, em hết ý định bỏ học"- Vang trải lòng.
Nửa năm trước, vợ chồng Vang dựng túp nhà vách tre trong một tuần lễ để ra riêng
…Tiếng trống giòn giã vang lên, Vang cùng các thí sinh khác gấp rút vào phòng thi. Anh Thoái lặng lẽ ngồi lên chiếc ghế đá, hướng ánh mắt đầy hy vọng về phía người vợ của mình. Ánh mắt này chúng tôi đã bắt gặp hôm trước, trong căn nhà bốn bề thưng bằng tre, lợp khoảng chục tấm Fi-brô xi-măng. Lúc ấy, cầm tấm giấy khen của con gái trên tay, anh Thoái nói đây là động lực để bản thân cố gắng làm lụng. Anh tin sẽ thoát được nghèo và con cái anh sẽ được ăn học đến nơi đến chốn. Anh định nói thêm gì đó nhưng chị Vang đã chen ngang: "Anh à, ai mà khó ba đời".
Anh Thoái tiễn vợ vào phòng thi
Tiếp lửa học trò nghèo
Thầy Nguyễn Hữu Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đakrông, cho hay trong 2 năm theo học tại trung tâm, chị Hồ Thị Vang đã vượt qua nhiều khó khăn, có tinh thần vươn lên trong học tập.
"Biết gia đình Vang thuộc diện hộ nghèo, đi học gần cả trăm cây số nên giáo viên trung tâm luôn theo dõi, động viên em vượt khó. Ở trung tâm có khoản đóng góp nào, chúng tôi đều trích lương đóng cho Vang để em khỏi lo nghĩ, an tâm học hành" - thầy Sơn chia sẻ.
Bình luận (0)