Một nữ sinh 13 tuổi đã uống 2 gói thuốc trừ sâu trong đêm bởi em liên tục bị bạn học trêu chọc, đánh sách vào đầu và bị ghép đôi với một bạn nam trong lớp. May mắn là sau khi được cấp cứu kịp thời, em đã níu giữ được sự sống quý giá.
Đáng buồn hơn khi một nam sinh 14 tuổi ở Bình Phước đã tự vẫn bằng một sợi dây thừng sau khi bị gia đình cấm đoán, ngăn ngừa chơi game. Mọi chuyện phát hiện quá muộn… Và nỗi đau sẽ dai dẳng lòng người đến bao giờ?
Hai câu chuyện là hai lát cắt đầy báo động đối với những người làm bố mẹ. Chúng ta đừng nghĩ đơn giản là "cày cuốc", làm lụng để chu cấp đầy đủ cơm ăn, áo mặc, học hành, giải trí cho con là ổn. Con trẻ cần nhiều hơn thế: sự chăm sóc, gần gũi, sẻ chia, thấu hiểu, đồng hành trên mỗi bước đường trưởng thành.
Có lẽ chưa bao giờ việc nuôi dạy một đứa trẻ lại nhọc nhằn như hiện tại. Điều này hoàn toàn đúng bởi bọn trẻ đang lớn khôn trong bối cảnh có quá nhiều đổi thay, dịch chuyển nhiều giá trị và đặt mỗi người vào những thách thức mới, lo toan mới.
"Bão" thông tin trên các trang mạng xã hội đang cuốn trẻ vào vòng xoáy của những xô bồ không dứt. Biết bao thú vui đến từ game online, mạng xã hội khiến trẻ chẳng dứt ra được, chưa kể các con có thể học đòi biết bao thói xấu đến từ những hành vi lệch lạc, phản cảm trên mạng!
Rồi những chuyển biến mạnh mẽ về tâm sinh lý lứa tuổi "ẩm ương" mà người lớn chưa thật sự thấu hiểu đang đẩy con trẻ và bố mẹ xa cách nhau hơn. Trẻ cần được tôn trọng, cần được lắng nghe. Trẻ cần bố mẹ hiểu rằng những đổi thay trong lời nói, thái độ, hành vi là những viên gạch nối để bước sang giai đoạn mới để có thể bao dung hơn, vị tha hơn, thấu hiểu hơn!
Nhiều gia đình vẫn khư khư giữ lề thói nuôi dạy con truyền thống "thương cho roi cho vọt". Không ít trường hợp trẻ vừa buông câu trái ý, bố mẹ đã vội vàng quy chụp là ngổ ngược, để rồi dùng lời lẽ khó nghe, dùng đòn roi để trừng phạt. Cơ hội để con trẻ và bố mẹ sẻ chia ngày càng khép dần, đáng tiếc vô cùng!
Lẽ ra, với những thách thức như thế, bố mẹ cần vươn dài đôi tay với, nắm chặt hơn bàn tay ấm của con trẻ. Để trẻ thật sự có chỗ dựa tin cậy, vững vàng mà sẻ chia những trắc trở trên lớp học, những trục trặc trong quan hệ bạn bè; để trẻ có thể thấu hiểu nỗi lo và kỳ vọng của bố mẹ khi đe nẹt và cấm cản con sa đà vào các thú vui không lành mạnh.
Để bố mẹ cùng con cái gần gũi hơn, sẻ chia nhiều hơn, chúng ta hãy tạo cơ hội để trẻ trải lòng. Mâm cơm rôm rả chuyện trò, khoảnh khắc quây quần làm việc nhà, thong thả dạo bước thể dục cùng nhau sẽ nối gần khoảng cách giữa hai thế hệ. Từ đó, chúng ta mới phát hiện những lỗ hổng cần sự định hướng và lời khuyên bảo trong suy nghĩ non nớt lẫn hành vi nông nổi của con trẻ.
Hãy lắng nghe con nói, dẫu là chuyện vụn vặt con nít đi chăng nữa, mong lắm thay!
Bình luận (0)