"Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) định điểm sàn ĐH bằng, thậm chí thấp hơn năm 2012 cho thấy việc xác định điểm sàn chủ yếu nhằm cứu các trường top dưới của hệ ĐH mà chưa tính tới nguồn tuyển cho hệ CĐ" - Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhận định. Nhiều trường CĐ cho biết năm nay, việc tuyển sinh sẽ vô cùng khó khăn do các trường ĐH "hút" thí sinh (TS).
Chưa chia sẻ nguồn tuyển
Năm nay, TS dự thi hệ CĐ giảm mạnh, chỉ còn hơn 200.000 người. Điều này cho thấy sức hút của hệ CĐ không còn lớn như trước. Tại Trường CĐ Bách Việt, lượng TS dự thi cũng giảm 30% so với năm ngoái. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho biết trường có 2.800 TS đạt điểm sàn, trong khi chỉ tiêu là 2.400. Trong đó, dự kiến chỉ khoảng 60%-70% TS đạt điểm sàn nhập học nên nhiều ngành sẽ vẫn còn thiếu chỉ tiêu và trông chờ xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung nhưng sẽ rất hạn hẹp.
Sẽ có sự dịch chuyển rất lớn
Ông Doãn Thái Thanh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP HCM, cho biết năm nay, điểm chuẩn cho các ngành hệ CĐ chỉ bằng điểm sàn CĐ và trường phải xét tuyển 1.300 chỉ tiêu NV bổ sung vào các ngành cũng chỉ bằng mức điểm sàn CĐ. Theo ông Thanh, năm nay sẽ có sự dịch chuyển rất lớn TS hệ CĐ vào ĐH do phổ điểm trung bình hệ ĐH cao nhưng điểm sàn thấp khiến độ chênh về điểm giữa hai hệ không nhiều. "Để an toàn, trường chỉ dám định điểm chuẩn của hệ CĐ bằng điểm sàn nhưng dự báo việc tuyển sinh sẽ rất khó khăn" - ông Thanh nói.
Giao lưu trực tuyến: "Chọn NV bổ sung 2013"
Lúc 8 giờ 30 phút ngày 11-8, Báo Người Lao Động sẽ tổ chức buổi tư vấn trực tuyến "Chọn NV bổ sung 2013" nhằm đưa đến cho TS những thông tin hữu ích về các chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung của các trường, tư vấn cho TS những ngành học nhiều cơ hội trúng tuyển và phù hợp với năng lực. Đồng thời, các chuyên gia tuyển sinh sẽ tư vấn về thủ tục nộp hồ sơ xét tuyển NV bổ sung…
Tham gia buổi tư vấn trực tuyến gồm: Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM; tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM và thạc sĩ Lê Quốc Thắng, phụ trách quản lý, đào tạo của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại nld.com.vn. |
Cuộc đua nguyện vọng 2: Rất gay cấn Đến chiều 9-8, có khoảng 80 trường ĐH công bố điểm chuẩn với mức điểm trúng tuyển cao hơn nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, dù điểm chuẩn khá cao, nhiều trường vẫn sẽ dành nhiều chỉ tiêu tuyển NV2 để nâng cao chất lượng đầu vào. Học viện Chính sách và Phát triển thông báo xét tuyển 160 chỉ tiêu NV2 đối với những TS có tổng điểm khối A từ 18 trở lên; Học viện Tài chính cũng dành 250 chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho các ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, kế toán… với điểm từ 20-22 mới nhận hồ sơ xét tuyển. Trường ĐH Điện lực năm nay có điểm chuẩn khá cao, từ 18,5 - 20,5 tùy ngành nhưng cũng xét tuyển tới 225 chỉ tiêu NV2 ở tất cả các ngành, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 18,5 trở lên… Một chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho rằng nếu như mọi năm, TS có điểm từ 18-19 thì sẽ dễ dàng nhận được một chỗ ngồi trên giảng đường ĐH từ NV2. Tuy nhiên, vì điểm thi năm nay tăng cao nên cuộc đua NV2 sẽ có nhiều TS trên 20 điểm trượt NV1 từ các trường top trên tham gia xét tuyển. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy chưa năm nào số dư nguồn tuyển nhiều như năm nay. Với 562.449 TS có điểm trên sàn, trong khi chỉ tiêu của tất cả các trường ĐH là 323.681, chưa bao giờ số TS đạt điểm trên sàn nhưng trượt ĐH nhiều như năm nay, lên đến 238.768 em. Điều này đồng nghĩa với việc nếu các trường ĐH tuyển được hết chỉ tiêu thì có tới gần 239.000 TS trượt. Một chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho rằng nếu muốn tăng cơ hội trúng tuyển NV2, TS nên chọn những trường có điểm sàn xét tuyển chênh lệch với điểm thi của mình từ 2-3, thậm chí nhiều hơn để có hệ số an toàn.
Y.Anh |
Bình luận (0)