Trường ĐH Tài chính - Marketing vừa ký kết với 11 trường CĐ, trung cấp trên địa bàn TP HCM về hỗ trợ nhau trong đào tạo cũng như tạo nguồn tuyển sinh cho trường ở hệ liên thông, hệ vừa làm vừa học. Theo đại diện nhà trường, những năm gần đây, trường không mở được các lớp đào tạo hệ vừa làm vừa học tại các địa phương ngoài TP HCM do không có người học.
Ngày càng khó tuyển
Trường ĐH Tài chính - Marketing tổ chức đào tạo hệ vừa làm vừa học (hệ tại chức) từ năm 2005 nhưng quy mô đang giảm dần theo từng năm.
Thạc sĩ Lương Quảng Đức, Trưởng Khoa Đào tạo tại chức Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của hệ này được tính bằng 50% chỉ tiêu hệ chính quy nhưng hiện mỗi năm, trường chỉ tuyển được chừng 300 ở TP HCM chứ các địa phương khác không tuyển sinh được. Nguyên nhân của tình trạng khó tuyển sinh là do xã hội có cái nhìn không thiện cảm đối với hệ đào tạo này, rằng chất lượng của hệ đào tạo tại chức luôn kém.
Tại trường ĐH Nông Lâm TP HCM, mỗi năm có chừng hơn 2.000 chỉ tiêu nhưng kết quả tuyển sinh đang giảm dần, vài năm gần đây chỉ tuyển được 500-600 sinh viên. TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo của trường, cho biết nguyên nhân của sự giảm sút này là do hiện nay, hầu như địa phương nào cũng có trường ĐH nên người học có xu hướng chọn trường ở địa phương để thuận lợi. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đang tính đến khả năng chấm dứt hệ đào tạo này trong vài năm tới do rất ít người học.
Đã có lúc hệ đào tạo tại chức là “nồi cơm” của các trường nhưng nay do sự giảm sút về số người học, mức học phí không cao nên hệ đào tạo này không còn giữ được nguồn thu, có trường còn chịu lỗ. Theo TS Trần Đình Lý, mức thu học phí của hệ vừa làm vừa học của trường gấp rưỡi hệ đào tạo chính quy. Số lượng sinh viên ngày càng giảm, trong khi trường vẫn chi nhiều khoản nên phần thu về cho trường không nhiều. Do vậy, việc tổ chức hệ đào tạo vừa học vừa làm là nhiệm vụ chứ không phải vì “nồi cơm”.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết mức thu học phí của trường cho hệ này chưa tới 10 triệu đồng/năm. Cử giáo viên đi dạy, trường vẫn phải trả chi phí, đồng thời trả lại từ 20 đến 25% từ nguồn học phí cho trường ở địa phương tổ chức liên kết nên số tiền thu về trường không còn nhiều; có nơi số lượng người học ít, trường còn chịu lỗ.
Dễ dãi trong đào tạo?
Hệ đào tạo tại chức khuyến khích những người không có điều kiện học chính quy muốn nâng cao trình độ. Vì nhiều yếu tố khác nhau nên chất lượng không bằng hệ chính quy tập trung. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hệ tại chức được tổ chức dạy học tại địa phương nên có những khó khăn về điều kiện thực hành. Hơn nữa, môn học được tổ chức theo hình thức cuốn chiếu, học xong là thi luôn nên sinh viên không có thời gian để nghiền ngẫm. Đại diện một trường ĐH khác cho biết có nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo hệ đào tạo tại chức thuộc loại 2, loại 3 do có sự dễ dãi của các trường để sinh viên tốt nghiệp.
TS Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định chuẩn đầu ra đối với hệ tại chức nhưng thấp hơn hệ chính quy một chút. Tuy nhiên, có tình trạng nhiều trường tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng rất dễ dãi khiến cho chuẩn đầu ra của hệ này đã thấp lại càng thấp hơn. Hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng hiện nay, nhiều trường đã tuyển sinh ĐH bằng học bạ đối với những người đã tốt nghiệp THPT nên Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chấm dứt hệ đào tạo này.
Nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng
Thạc sĩ Lương Quảng Đức cho biết ở Trường ĐH Tài chính - Marketing, quy trình tổ chức đào tạo cũng như đánh giá sinh viên hệ tại chức không khác gì hệ chính quy nên tỉ lệ sinh viên được cấp bằng mỗi khóa chỉ chừng 30%, số còn lại bỏ học giữa chừng do không theo nổi chương trình. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, số sinh viên bỏ học giữa chừng khá cao do những đòi hỏi khắt khe không khác hệ chính quy tập trung nên tỉ lệ sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo mỗi khóa không cao, chừng 60%, thậm chí thấp hơn.
Bình luận (0)