Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc duy trì hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) với chức năng như hiện nay chính là nguyên nhân khiến các giải pháp phân luồng thất bại. Chưa kể, việc đánh đồng bằng cấp của hệ này với các hệ khác là vô lý khi chương trình đào tạo khác nhau.
Sai đối tượng tuyển sinh
Tại TP HCM, hiện có 3 trung tâm GDTX trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), bên cạnh đó có các trung tâm GDTX trực thuộc UBND các quận, huyện. Mỗi năm, các trung tâm này tuyển khoảng 12.000 chỉ tiêu học sinh (HS) tốt nghiệp THCS.
Dù là giải pháp hỗ trợ hiệu quả khi các trường công quá tải nhưng nhiều ý kiến chỉ ra chính việc duy trì tuyển sinh các đối tượng này đã khiến bao nhiêu năm nay, việc phân luồng HS vào các trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thất bại. Cụ thể hơn đó là việc các trung tâm GDTX đều tổ chức tuyển và dạy HS lứa tuổi phổ thông từ tiểu học đến THCS, THPT bằng một chương trình khác, chương trình này được giảm tải bằng cách bỏ một số môn học. Trong khi đó, mục đích chính phải là đào tạo hệ vừa học vừa làm, những người cao tuổi đi học phổ cập…
Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10 trong giờ học văn hóa Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Giảng Văn Chải, Giám đốc Trung tâm GDTX quận 3, thống kê mỗi năm, trung tâm tuyển hơn 500 chỉ tiêu, tuy nhiên số HS các khối 6, 7, 8, 9 rất ít, có năm hầu như không có. Chủ yếu HS vào trung tâm là đối tượng tốt nghiệp THCS và các HS chuyển từ các trường công lập chuyển qua, từ các tỉnh chuyển về.
Đó cũng là tình hình chung của các trung tâm GDTX khác từ nhiều năm nay. Ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, cho hay trung tâm vẫn có chức năng đào tạo hệ vừa học vừa làm, người lớn tuổi đi học nhưng đối tượng này hầu như không có. Trong thực tế, đối tượng vào học chủ yếu là từ 24 tuổi trở xuống chiếm đa số. Tại trung tâm, 4 năm nay, 100% HS tại trường là đối tượng vừa tốt nghiệp THCS.
Nhiều bất cập, bất công
Trong 5 nhiệm vụ của hệ GDTX mà Bộ GD-ĐT quy định, có yêu cầu các trung tâm phải mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề hoặc TCCN. Tuy nhiên, hầu như việc dạy nghề không thể thực hiện do cơ sở vật chất và đội ngũ không có. Theo ông Giảng Văn Chải, muốn dạy nghề cũng không có nguồn lực do những đặc thù của việc dạy nghề yêu cầu phải có trang thiết bị, máy móc, đội ngũ giáo viên… nhưng hiện nay, các trung tâm không đáp ứng nổi. Vì thế, chức năng đơn thuần chỉ là dạy văn hóa. Dù vậy, việc dạy văn hóa cũng vô cùng vất vả dù chương trình đã được giảm khá nhiều, lý do chính chủ yếu đối tượng là các HS yếu, kém, rớt cả 3 nguyện vọng nhưng không thích học nghề mới chuyển qua hệ GDTX.
Hiện nay, trong chương trình đào tạo của hệ GDTX, HS chỉ phải học 7 môn thay vì hơn 10 môn như hệ công lập. Theo ông Huỳnh Tấn Thanh, dù quy định là thế, nhưng riêng TP HCM vẫn chủ trương dạy thêm cho các em 3 môn là tiếng Anh, giáo dục công dân và tin học, vì thế so với chương trình đào tạo của hệ công lập cũng không có khoảng cách bao nhiêu. Vấn đề lấn cấn hiện nay là các trung tâm GDTX trực thuộc quận, huyện phải ghép với các trung tâm dạy nghề và trung tâm học tập cộng đồng với cách quản lý chồng chéo.
Trong khi đó, kế hoạch phân luồng HS sau THCS mà đa số các địa phương áp dụng là theo các hướng: THPT, TCCN, trung cấp nghề hoặc GDTX. Như vậy, đã vô tình xem GDTX là một hướng học và tạo nên nhiều hậu quả. Dễ thấy nhất là không phù hợp với bản chất của hệ GDTX vì hệ này chỉ là một hình thức thực hiện chương trình giáo dục, không phải là một ngành học.
Ông Trần Trung Kiên, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho biết không có nơi nào duy trì hệ GDTX như chúng ta. Chính việc đào tạo sai đối tượng, sai mục đích của hệ này là nguyên nhân phá vỡ kết cấu phân luồng sau THCS. Lẽ ra, HS sau khi tốt nghiệp THCS, không đủ điều kiện cũng như trình độ để vào các lớp 10 công lập thì phải được sắp xếp vào các trường nghề, TCCN, đằng này lại được vào một hệ giáo dục, mà ở đó số môn học bớt đi, học nhẹ nhàng hơn nhưng bằng tốt nghiệp lại tương đương như các em tốt nghiệp hệ THPT công lập.
"Bổ túc" núp bóng GDTX
Khi HS cùng lứa tuổi giáo dục phổ thông, học và thi theo 2 chương trình khác nhau nhưng bằng tốt nghiệp có giá trị pháp lý như nhau; khi người học cùng lứa tuổi giáo dục phổ thông nhưng được hấp thu 2 chương trình giáo dục khác nhau nhưng đến đích giống nhau là hết sức vô lý.
"Chương trình "Bổ túc văn hóa", xóa mù chỉ phù hợp sau giai đoạn chiến tranh. Ngành GD-ĐT không thể duy trì chương trình "bổ túc" núp bóng GDTX được nữa. Nếu còn duy trì hình thức GDTX chỉ tạo điều kiện cho một số người đạt mục tiêu 2 trong 1 (vừa lấy bằng tốt nghiệp THPT hệ vừa học vừa làm vừa có thời gian luyện thi ĐH) và cũng là nơi dừng chân các HS yếu kém từ một số trường THPT khác chuyển qua" - một chuyên gia giáo dục phổ thông phân tích.
Bình luận (0)