Hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 khối giáo dục chuyên nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức sáng 28-3 khá sôi nổi, thẳng thắn vì đại diện các trường dành phần lớn thời gian để nói về thực trạng và các giải pháp trước viễn cảnh u ám của hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
“Chết” vì vào ĐH quá dễ
“Năm 2013, tuyển sinh vào các trường TCCN chỉ đạt 180.000 học sinh, giảm gần 100.000 học sinh so với kết quả tuyển sinh năm 2012” - TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), mở đầu hội nghị bằng con số buồn và hỏi tiếp: “Người học đi đâu trong khi nguồn tuyển của hệ TCCN vẫn dồi dào?”.
Đáp lại, ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch Khối Liên kết các trường chuyên nghiệp TP HCM, đồng thời là hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn, khẳng định trường TCCN ngoài công lập khó tuyển sinh là do xu hướng “ĐH hóa”. Cụ thể, năm 2014, chỉ tiêu vào ĐH là trên 400.000, CĐ trên 280.000 và hệ TCCN dự kiến là 300.000. Nếu tính thêm các hệ vừa làm vừa học, liên thông trong các trường ĐH, CĐ và chính quy trong các trường CĐ, TC nghề thì gần 1,1 triệu chỉ tiêu. Như vậy, với tỉ lệ 70% ĐH, CĐ và 30% TCCN thì tỉ lệ cơ cấu này hoàn toàn không hợp lý, thừa thầy thiếu thợ là dễ hiểu.
ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, cho biết việc Bộ GD-ĐT tăng chỉ tiêu ĐH, CĐ không phải xuất phát từ nhu cầu xã hội mà là nhu cầu của các trường. Với việc xóa điểm sàn, năm nay các trường ĐH, CĐ sẽ vớt hết thí sinh nên nếu xóa điểm sàn, bỏ thi ba chung thì Bộ GD-ĐT phải khống chế chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp với cơ cấu thị trường lao động.
Theo ông Khoa, với chính sách về chỉ tiêu như trên thì cơ hội vào ĐH quá dễ, tâm lý chuộng bằng cấp cũng làm cho học sinh không quan tâm đến học nghề.
Phải tự cứu?
Hơn 10 năm xây dựng và phát triển, số lượng các trường TCCN ngoài công lập ở TP HCM đã gấp hơn 3 lần số trường công lập trên địa bàn (27 trường TCCN ngoài công lập và 8 trường công lập). Năm học 2012-2013, số học sinh của trường ngoài công lập là 37.854, gấp hơn ba lần số học sinh công lập (11.684), cho thấy trường TCCN ngoài công lập đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp GD-ĐT của TP cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội mà nhà nước không phải đầu tư. Nhưng rất tiếc, các trường vẫn chưa được hưởng bất kỳ ưu đãi nào của nhà nước, dù chính sách đã có.
Rất nhiều trường TCCN gửi đến Sở GD-ĐT TP, Bộ GD-ĐT lời “cầu cứu” trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh được. Ông Khoa đề nghị nhà nước có chính sách tốt hơn nữa cho người học thì các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục nghề mới thu hút được người học như cấp kinh phí, miễn học phí; đồng thời, cần có chính sách giúp đỡ trường ngoài công lập, không phân biệt công - tư.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng khó khăn của các trường TCCN trong tuyển sinh có nguyên nhân khách quan về nguồn tuyển thì cũng có nguyên nhân từ chính nội lực các trường. “Các trường phải tự cứu mình bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo và gắn với giải quyết việc làm cho học sinh tốt nghiệp” - ông Thanh nói.
Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng với các trường TCCN, năm 2014 tiếp tục khó khăn trong tuyển sinh khi cùng lúc phải cạnh tranh với nhau, cạnh tranh với các trường nghề và trường ĐH, CĐ. Nguyên nhân là do các trường không bảo đảm được chất lượng giáo dục, phản ứng chậm trước thị trường. Để tồn tại, các trường phải tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm chất lượng. Về mặt quản lý, cơ quan quản lý địa phương và Bộ GD-ĐT sẽ phải cơ cấu lại hệ thống trường trung cấp. n
99/294 trường tự đánh giá chất lượng
Cùng ngày, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP HCM phối hợp cùng Trường Trung cấp Đại Việt TP HCM tổ chức hội thảo khoa học Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục trường TCCN; cơ hội và thách thức tự thay đổi. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết hiện mới có 99/294 trường TCCN hoàn thành tự đánh giá chất lượng (chiếm khoảng 33,67%). Tỉ lệ này so với các cơ sở giáo dục ĐH và CĐ còn khá thấp, đồng thời chất lượng kiểm định của các trường đã tự kiểm định cũng còn thấp.
Bình luận (0)