Không đơn giản chỉ là dạy học, các thầy cô làm công tác giáo dục học sinh khuyết tật còn phải kiêm thêm rất nhiều công việc mà có lẽ họ chỉ có thể hoàn thành với tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ, người cha. Nguyễn Văn Tài, học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), bị cụt 2 cánh tay, 2 chân lại một ngắn, một dài nên vận động vô cùng khó khăn. Những tưởng ngay cả việc tự phục vụ bản thân, Tài cũng không làm được và sẽ không bao giờ có cơ hội đến trường nhưng nhờ sự tận tụy, ân cần của cô Hoàng Thị Sành, em đã viết được những chữ cái đầu tiên bằng chân trái.
“Ngoài giờ dạy văn hóa, tôi cố gắng dành thời gian hướng dẫn Tài những kỹ năng cơ bản để em có thể sống tự lập, tự phục vụ, giảm đi sự phụ thuộc vào người khác một cách tối đa có thể” - cô Hoàng Thị Sành tâm sự.
Là thầy giáo dạy trẻ mầm non - cấp học chủ yếu là cô giáo, chỉ bản thân công việc đó thôi cũng đã là thách thức, chưa nói đến dạy trẻ mầm non khuyết tật- hơn 10 năm qua, thầy Đoàn Văn Ninh, giáo viên Trường Mầm non Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), vẫn miệt mài đến từng gia đình có trẻ khuyết tật để vận động cha mẹ đưa con đến lớp. Thầy cho rằng nếu trẻ khuyết tật không được học hòa nhập tốt ở bậc mầm non thì làm sao các em có thể hòa nhập và học tốt ở các cấp học tiếp theo.
Với 18 năm công tác, nhà giáo Nguyễn Thị Tố Lan, Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), đã tích cực tham mưu cho UBND huyện nâng cấp từ một cơ sở giáo dục chuyên biệt có số lượng học sinh ít ỏi thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại một vùng đất còn rất nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Trong 17 năm liên tục tham gia dạy học sinh khuyết tật, nhà giáo Võ Thị Hải Nam (Trường THCS Hùng Vương, TP Huế) đã vận động 100% học sinh khiếm thị trên địa bàn tới trường. Năm học 2009-2010, học sinh khiếm thị của cô đã vinh dự đạt giải nhì cuộc thi viết thư UPU toàn quốc...
Gặp rất nhiều khó khăn trong công việc nhưng các nhà giáo không hề vương chút quyền lợi riêng tư khi nói về mình. Mong muốn của các thầy cô không hẳn là có thêm thu nhập cho công việc vất vả mà rất đơn giản, như “có một cuốn sổ tay nói về cách dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập hoặc được bổ sung tài liệu giúp giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân cho từng học sinh khuyết tật”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định chính tình yêu thương, sự sẻ chia sâu sắc với những cuộc đời bất hạnh đã giúp các nhà giáo, cán bộ quản lý vượt qua khó khăn, vất vả. Với tình yêu ấy, sự tiến bộ mỗi ngày của học sinh thực sự là niềm hạnh phúc của các nhà giáo.
Bình luận (0)