Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP HCM trong năm học mới 2023-2024 là hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.
Quan tâm thầy cô và vì học sinh
Nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo cho rằng trường học chỉ thật sự hạnh phúc khi tất cả mục tiêu hướng đến là quan tâm thầy cô và vì học sinh (HS).
Theo các chuyên gia giáo dục, ngành GD-ĐT đang triển khai nhiều phong trào, mô hình trong trường học nhằm hướng đến việc phát triển sức khỏe tinh thần cho HS. Song, bên cạnh đó cũng tồn tại thực trạng đáng buồn: Nhiều HS vi phạm pháp luật, bạo lực học đường xảy ra thường xuyên...
Trường học hạnh phúc cần được xây dựng trên giá trị của tình yêu thương, sự tôn trọng và an toàn .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Phòng Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, băn khoăn về việc hiện nay, không rõ các trường dạy HS theo mục tiêu nào? Phải chăng HS đang được dạy phải "thành danh" trước "thành nhân", trong khi lẽ ra cần ngược lại?
Giáo viên (GV) một trường THPT tại quận 1, TP HCM nhìn nhận người thầy trong bất cứ giai đoạn nào cũng được xác định có vai trò quan trọng. Song, thực tế là nhà giáo chưa được quan tâm, ghi nhận đúng với công sức của họ.
"Chúng tôi mong cơ quan quản lý nếu có thể thì dành lời khen, ghi nhận để tạo động lực cho GV. Chúng tôi cũng mong được phân công công việc đúng chuyên ngành, sở thích; được quyền tự chủ trong giới hạn" - GV này bày tỏ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Xuân Yến, Khoa Giáo dục Tiểu học - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng GV hiện nay phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều hơn so với quy định. Điều này dẫn đến tình trạng thầy cô không được phát triển năng lực nghề nghiệp, không được quan tâm, nếu vậy thì rất khó có trường học hạnh phúc.
Từ thực tế, TS Nguyễn Thị Xuân Yến đề xuất 10 tiêu chí đối với GV khi xây dựng trường học hạnh phúc. Theo đó, GV thể hiện cảm xúc tích cực; phân tích được tâm lý HS; tư vấn, hỗ trợ HS; xây dựng và tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục; quản lý HS trong các hoạt động dạy học, giáo dục; xây dựng và chủ động thực hiện kế hoạch cá nhân; quản lý cảm xúc của mình và HS trong mọi bối cảnh; xây dựng kế hoạch, chủ động chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất của mình và của HS...
Bắt đầu từ mỗi lớp học
Ông Phạm Đăng Khoa - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, TP HCM - nhấn mạnh trường học hạnh phúc cần bắt đầu từ những lớp học hạnh phúc. Trong đó, hiểu đơn giản nhất là làm sao để HS mỗi ngày đến trường là một ngày vui và GV cũng vậy.
Để làm được điều này, các mối quan hệ trong trường học cần được xây dựng trên giá trị của tình yêu thương, sự tôn trọng và an toàn. Cụ thể, HS khi đến trường được học hỏi, tiếp thu kiến thức, tham gia nhiều hoạt động để phát triển toàn diện, được thể hiện chính kiến. Điều này chỉ có được trong một môi trường có tinh thần dân chủ.
Mặt khác, trường học hạnh phúc là khi HS cảm thấy an toàn khi đến trường và học ở trường. "Các em cần nhận được sự trợ giúp kịp thời từ thầy cô khi có những vấn đề về tâm lý" - ông Khoa gợi ý.
Theo thầy Nguyễn Minh Tâm, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM), GV chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc tạo ra lớp học hạnh phúc. GV cần tôn trọng thế giới riêng của HS, cho các em tự quản lớp, có quyền nêu ý kiến trong các phong trào, hoạt động. GV cần quan tâm, kết nối các thành viên trong lớp, xây dựng lớp học bằng sự yêu thương, quan tâm hoàn cảnh khó khăn, tổ chức hoạt động bổ ích cho HS...
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng GD-ĐT lấy HS làm trung tâm nhưng người thầy cũng cần được hạnh phúc. TS Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM, nhận định không thể có trường học hạnh phúc khi ở đó, GV còn nặng nề tâm tư và bị áp lực.
Năng lượng, biểu hiện của người thầy ảnh hưởng mạnh mẽ đến HS và người xung quanh. "Người thầy không hạnh phúc sẽ vô tình khiến HS chịu áp lực theo. Nếu không giải tỏa kịp thời điều này có thể khiến những mối quan hệ trong trường học đổ vỡ" - bà Thúy lo ngại.
Thực hiện thí điểm ở một số trường
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhìn nhận xây dựng trường học hạnh phúc là việc thiết thực, cần thực hiện có chiều sâu và có sức lan tỏa. Ngành GD-ĐT TP HCM sẽ sớm hoàn thiện bộ tiêu chí, xem đây là cơ sở để các trường học tổ chức thực hiện theo tình hình thực tế tại đơn vị.
Trước mắt, ngành GD-ĐT TP HCM sẽ lựa chọn một số trường học triển khai thí điểm. Sau khi sơ kết, rút kinh nghiệm, đánh giá sự thay đổi của nhà trường khi thực hiện trường học hạnh phúc, mô hình này sẽ nhân rộng toàn thành phố.
Bình luận (0)