Trong số hơn 7.000 hồ sơ xét tuyển, ngành công nghệ thực phẩm nhận được nhiều hồ sơ nhất với hơn 800 bộ, mức điểm xét tuyển của thí sinh năm nay cũng tăng so với năm ngoái, trong đó điểm xét tuyển vào ngành công nghệ thực phẩm từ 22 điểm trở lên.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM (Ảnh: HUY LÂN)
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF) nhận hồ sơ xét học bạ từ ngày 1-3, đến nay đã có 2.000 hồ sơ đăng ký với khoảng 5.800 nguyện vọng (mỗi hồ sơ xét học bạ được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng). Hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh tập trung vào các ngành như quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đại diện nhà trường cho biết tính đến thời điểm này, lượng hồ sơ trường nhận được tương đương năm ngoái.
Tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM, đợt 1 nhận hồ sơ xét học bạ từ ngày 1-3 đến 31-5. Thông tin từ trường cho biết lượng hồ sơ trường nhận được đến thời điểm này là 5.100 bộ, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP HCM dành khoảng 1.500 chỉ tiêu (tương ứng 30% tổng chỉ tiêu) để xét tuyển vào các ngành đào tạo.
Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, lượng hồ sơ xét tuyển học bạ của học sinh nộp vào hiện trên 6.000 bộ. Ông Nguyễn Việt Thái, Trưởng Phòng Tuyển sinh - Truyền thông, cho biết lượng hồ sơ xét học bạ có xu hướng tăng nhanh kể từ sau thông báo tạm ngưng hoạt động dạy học tại trường của UBND TP HCM (ngày 6-5) do Covid-19. Năm nay, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dành khoảng 1.600 chỉ tiêu để xét học bạ.
Xét tuyển học bạ là một trong nhiều phương thức xét tuyển được các trường sử dụng nhưng tỉ lệ ảo cũng cao do thí sinh có thể trúng tuyển cùng lúc nhiều trường. Đại diện các trường ĐH cho biết thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ cũng bình đẳng như các phương thức khác. Do vậy, nếu thí sinh trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp theo phương thức xét học bạ thì nên xác nhận nhập học và khi đó không cần quan tâm đến xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bình luận (0)